Kinh tế - Văn hóa - xã hội

Hà Nội triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đồng hành, tháo gỡ, thúc đẩy tăng trưởng
Ngày đăng 12/05/2025 20:28

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 129/KH-UBND với mục tiêu cụ thể hóa các chỉ đạo, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này, lực lượng chủ lực, chiếm hơn 98% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội.

 

Tính đến hết năm 2024, Hà Nội có hơn 400.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó khoảng 220.000 doanh nghiệp đang hoạt động thực tế. DNNVV hiện sử dụng hơn một nửa lực lượng lao động và đóng góp khoảng 40% GDP thành phố. Tuy nhiên, khu vực này đang đối mặt nhiều thách thức: số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng, tỷ lệ đăng ký mới giảm, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế.

Tập trung tháo gỡ rào cản, phát huy tiềm năng DNNVV

Kế hoạch 129/KH-UBND đặt mục tiêu đồng bộ từ cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực quản trị, chuyển đổi số đến đẩy mạnh hỗ trợ tín dụng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và giảm chi phí tuân thủ pháp luật. Trong đó, thành phố đặt kỳ vọng đến hết năm 2025 có thêm 30.000 doanh nghiệp mới được thành lập, hướng tới mục tiêu có tổng cộng 200.000 doanh nghiệp mới vào năm 2030.

Cùng với đó, Hà Nội sẽ kiến nghị bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhưng vẫn bảo đảm tăng cường giám sát hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được kỳ vọng vượt mốc 50%; phấn đấu thu hút ít nhất 25 doanh nghiệp tham gia phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của nền kinh tế.

Giải pháp toàn diện, gắn trách nhiệm cụ thể

Để đạt mục tiêu trên, thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện chủ động thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, với tinh thần đặt doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong đó, cần tập trung cải cách hành chính, nâng cao chỉ số PCI, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, cải thiện năng lực quản trị, chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thị trường và xây dựng thương hiệu.

Hà Nội cũng đặt mục tiêu rút ngắn ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% chi phí tuân thủ pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án hỗ trợ DNNVV giai đoạn 2021–2025; tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn, doanh nghiệp FDI để lan tỏa động lực phát triển.

Đổi mới phương thức hỗ trợ, đồng hành sát thực tế

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ thí điểm xây dựng hệ thống hỗ trợ đa kênh trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố – giúp tư vấn, hướng dẫn trực tiếp và trực tuyến cho cá nhân, tổ chức. Hoạt động này nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục, ứng dụng công nghệ và cải thiện trải nghiệm dịch vụ công.

Trong công tác quản lý, thành phố tăng cường hậu kiểm và giám sát thực chất; giao Sở Nội vụ phối hợp cùng Sở Tư pháp hướng dẫn cụ thể về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phát triển thị trường lao động và hiện đại hóa các sàn giao dịch việc làm.

UBND thành phố yêu cầu việc triển khai Kế hoạch gắn chặt với mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8%, hướng tới tốc độ hai con số trong những năm tiếp theo. Cơ quan, đơn vị phải xác định rõ đầu việc, người chịu trách nhiệm và thời hạn hoàn thành, đặt lợi ích của doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của doanh nghiệp là thước đo hiệu quả điều hành của chính quyền.

Nguyễn Như Quyền

  LIÊN KẾT WEBSITE