Chiều 10-9, Đoàn công tác của Thành ủy do đồng chí Vũ Đức Bảo, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội làm trưởng đoàn và các đồng chí lãnh đạo huyện Hoài Đức đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Đồng chí Vũ Đức Bảo, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội kiểm tra công tác phòng chống lụt bão tại huyện Hoài Đức
Trên địa bàn huyện hiện có 1.307 cây xanh bị đố, gãy (trong đó, có khoảng 200 cây không khắc phục được, đa phần trong khu dân cư), 92 biển quảng cáo, đèn Led bị rơi của các hộ sản xuất, kinh doanh, 27 lán tạm bị tốc mái, 36 cột điện bị nghiêng, 106,0m tường bao bị đổ. Lực lượng chức năng của huyện và các xã, thị trấn đã ra quân huy động người, máy móc thu dọn toàn bộ cây xanh, cột điện bị gãy, biển quảng cáo được tháo dỡ... Đến nay, cơ bản đã khắc phục đảm bảo an toàn giao thông thông suốt cho nhân dân đi lại, không gây thiệt hại về người.
Để chủ động đối phó với diễn biến bất thường của mưa, lũ, qua kiểm tra thực địa tại các địa bàn có mực nước dâng cao, các điểm ngập úng cục bộ, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ yêu cầu huyện, các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sau bão.
Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, chỉ đạo tăng cường lực lượng xuống các địa bàn, chủ động phối hợp các lực lượng chức năng triển khai các phương án giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra. Theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của tình hình mưa lũ và mực nước ở các sông, nhất là khu vực sông Hồng và sông Đáy để chủ động triển khai các phương án, kế hoạch, lực lượng, phương tiện và điều kiện ứng phó và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Vũ Đức Bảo động viên lực lượng trực chốt tại xã Vân Côn
Đáng chú ý, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ mưa lũ, nâng cao nhận thức, ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, an ninh, an toàn hệ thống đê, kè, cống, các vị trí xung yếu; các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường... để kịp thời phát hiện, kiến nghị với cơ quan chức năng có kế hoạch, phương án sơ tán, di dời đến nơi an toàn, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, xã, thị trấn cần tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, đường thuỷ, bố trí phân luồng, cảnh báo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông... điều động lực lượng chiến sĩ dân quân trực chốt 24/24 tại các điểm cầu để điều tiết lưu lượng người qua sông.
Lê Thị Thủy