HUYỆN BA VÌ

Huyện Ba Vì thúc đẩy bảo tồn di sản văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi mô hình hành chính
Ngày đăng 03/05/2025 16:51

Huyện Ba Vì được biết đến là huyện phía Tây của Thủ đô Hà Nội, ngoài những thắng cảnh thiên nhiên, cảnh quan tươi đẹp là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, huyện Ba Vì còn được ví như một kho tàng di tích lịch sử văn hóa, với nhiều di tích đã được công nhận cấp Quốc gia và Thành phố.

Lễ kỷ niệm 40 năm di tích cấp Quốc gia tại Đình Viên Châu, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì

Giữa thời điểm toàn hệ thống chính trị của huyện Ba Vì đang tập trung thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thành phố Hà Nội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn vẫn được triển khai bài bản, đồng bộ và đúng quy định pháp luật. Đây là minh chứng cho quyết tâm chính trị cao và sự chủ động của huyện trong gìn giữ, phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa - tâm linh gắn với chiều sâu truyền thống ngàn năm của dân tộc.

Theo thống kê của ngành văn hóa huyện Ba Vì, toàn huyện hiện có 397 di tích lịch sử văn hóa, phân bố rải rác tại hầu khắp các xã, thị trấn. Trong đó, nhiều di tích mang tầm vóc quốc gia và có giá trị đặc biệt như: Đình Tây Đằng - di tích quốc gia đặc biệt về nghệ thuật kiến trúc cổ; quần thể Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng - nơi tôn vinh Thánh Tản Viên, một trong "Tứ bất tử" của tín ngưỡng Việt; Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt K9 - Đá Chông gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng hàng trăm ngôi đình, đền, chùa gắn liền với các danh nhân qua nhiều triều đại. Những di sản này là vốn quý vô giá, đồng thời là nền tảng để huyện Ba Vì phát triển du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh theo hướng bền vững.

Từ đầu nhiệm kỳ 2020 đến nay, Ba Vì đã có thêm 35 di tích được xếp hạng, nâng tổng số di tích được công nhận lên 156, trong đó có 01 di tích quốc gia đặc biệt, 41 di tích quốc gia và 114 di tích cấp thành phố. Những con số ấy cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền và nhân dân địa phương trong công cuộc bảo tồn di sản, bất chấp áp lực điều hành khi phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính cấp xã.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Phòng Văn hóa - Khoa học và Thông tin huyện đã trực tiếp khảo sát, hướng dẫn và đôn đốc cơ sở hoàn thiện hồ sơ cho 10 di tích đủ điều kiện trình thành phố công nhận di tích cấp thành phố. Các hồ sơ này được chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo đầy đủ tiêu chí về giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật và vai trò văn hóa cộng đồng. Dự kiến, việc đón nhận các quyết định xếp hạng sẽ được tổ chức trước khi kết thúc hoạt động của mô hình chính quyền cấp huyện, theo đúng lộ trình phân cấp hành chính mới.

Đặc biệt, công tác xã hội hóa tiếp tục được phát huy hiệu quả. Nhiều hạng mục tôn tạo di tích được hoàn thiện bằng nguồn đóng góp từ tổ chức, cá nhân, con em Ba Vì xa quê, thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, trách nhiệm với cội nguồn lịch sử và niềm tự hào địa phương. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các xã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di tích một cách trang trọng, kịp thời, tạo sự lan tỏa và đồng thuận rộng rãi trong cộng đồng dân cư.

Trong hành trình phát triển mới, Ba Vì không chỉ chuyển mình về thể chế, mô hình tổ chức mà còn quyết liệt gìn giữ những giá trị thiêng liêng từ quá khứ. Những di tích không chỉ là chứng nhân lịch sử, mà còn là trụ cột tinh thần để thế hệ hôm nay và mai sau tự hào, tiếp bước, góp phần xây dựng một vùng đất Ba Vì giàu bản sắc - mạnh nội lực - bền vững tương lai.

Phùng Đăng Hường