Cách đây 60 năm, trên quê hương Đan Phượng, phong trào Ba đảm đang đã được khởi nguồn và trở thành một phong trào rộng lớn, góp phần vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam, giải phóng đất nước, thống nhất non sông. Có thể nói Phong trào “Ba đảm đang” vừa là một sản phẩm của lịch sử nhưng cũng góp phần viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc.
Phụ nữ Đan Phượng tham gia chiến đấu bảo vệ Đập Phùng
Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, chính thức phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Trước tình hình đó, nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước trở thành sứ mệnh thiêng liêng của toàn dân tộc. Hàng triệu thanh niên miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, để lại hậu phương với trọng trách nặng nề trên vai những người mẹ, người vợ, người chị.
Tại huyện Đan Phượng, phụ nữ không chỉ tham gia sản xuất mà còn xung phong gánh vác nhiệm vụ chiến đấu, hậu cần, bảo vệ quê hương. Những phong trào thi đua sôi nổi như nuôi lợn ở Vân Môn, nuôi bò sinh sản ở Địch Thượng, làm bèo hoa dâu ở Song Phượng… chính là những hạt mầm đầu tiên, đặt nền móng cho một phong trào thi đua mang tầm vóc lịch sử.
Trước sự sôi động của các phong trào thi đua phụ nữ trên địa bàn, Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng đã đề xuất và được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo phát động một phong trào thi đua rộng lớn. Sau quá trình thảo luận, đánh giá và thực nghiệm, ngày 8-3-1965, phong trào “Ba đảm nhiệm” chính thức ra đời với ba nội dung trọng tâm: Gánh vác sản xuất, thay chồng con, anh em đảm bảo nhiệm vụ lao động tại địa phương; Khuyến khích và động viên người thân tham gia chiến đấu, sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc; Tích cực tham gia công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, sẵn sàng nhập ngũ khi Tổ quốc cần.
Ngay khi phát động, phong trào đã thu hút sự tham gia mạnh mẽ của đông đảo phụ nữ trên địa bàn. Từ ruộng đồng đến trận địa, từ hậu phương đến tiền tuyến, bóng dáng những người phụ nữ Đan Phượng in dấu khắp mọi mặt trận.
Mô hình trồng bưởi Tôm vàng ở Thượng Mỗ
Ngày 18-3-1965, báo Nhân Dân đăng tải bài viết về phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng trên trang nhất. Chỉ bốn ngày sau, ngày 22-3-1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ra Chỉ thị số 03, phát động phong trào trên toàn miền Bắc. Đặc biệt, phong trào nhanh chóng thu hút 1,7 triệu chị em đăng ký tham gia chỉ trong vòng ba tháng.
Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đổi tên phong trào thành "Ba đảm đang", với ba nội dung cốt lõi: Đảm nhiệm sản xuất, thay thế chồng con đi chiến đấu; Đảm nhiệm chăm lo gia đình, để hậu phương vững mạnh; Đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần.
Với sức hút mạnh mẽ, phong trào nhanh chóng bùng nổ trên khắp miền Bắc, lan rộng đến mọi ngành nghề. Từ ruộng đồng đến nhà máy, từ bệnh viện đến công trường xây dựng, đâu đâu cũng có những người phụ nữ tay cày, tay súng, tay búa, tay bút...
Hưởng ứng phong trào "Ba đảm đang", phụ nữ Đan Phượng đã đóng góp nhiều phong trào sáng tạo, để lại dấu ấn sâu sắc: Nuôi lợn ở Song Phượng, nuôi bò ở Địch Thượng, san gò lấp trũng ở Hồng Thái, Liên Minh. Mô hình “bốn đẹp” xây dựng nếp sống văn hóa mới. Phong trào “ba không, ba đảm”, nhuộm màn, dệt xô vì miền Nam.
Đặc biệt, những năm 1966 - 1975, phụ nữ Đan Phượng chiếm 75% lực lượng dân quân tự vệ, trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Những tên tuổi như chị Chín, chị Thụy (Song Phượng), chị Chức (Trung Châu), chị Nguyễn Thị Quý (Tân Lập), bà Thịnh (Tân Hội), bà Lộc (Đan Phượng)... đã trở thành những biểu tượng tiêu biểu của phong trào.
60 năm đã trôi qua, nhưng tinh thần “Ba đảm đang” vẫn luôn được phụ nữ Đan Phượng tiếp nối bằng những phong trào thi đua thiết thực: Hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới với các mô hình: "Sạch đồng ruộng", "Đường hoa phụ nữ tự quản", "Nhà sạch, vườn đẹp".
Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế: Mô hình trồng bưởi tôm vàng ở Thượng Mỗ, trồng hoa ở Đồng Tháp, chăn nuôi bò sữa ở Phương Đình, trồng rau an toàn ở Thọ Xuân…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Phụ nữ ứng xử đẹp”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh”...
Không chỉ trong lao động sản xuất, phụ nữ Đan Phượng còn ghi dấu ấn trong lĩnh vực chính trị - xã hội. Số lượng cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng tăng, nhiều chị em giữ các chức vụ quan trọng như bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND, trưởng phòng, giám đốc, chủ nhiệm hợp tác xã…
Bên cạnh đó, các chị cũng tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện như “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, hỗ trợ xây nhà "Mái ấm tình thương", trao tặng sổ tiết kiệm, quà cho gia đình chính sách, trẻ em mồ côi…
Dù ở bất kỳ thời điểm nào, phụ nữ Đan Phượng vẫn giữ vững tinh thần kiên cường, bền bỉ, chịu thương, chịu khó, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của huyện và đất nước. Từ “Ba đảm đang” của thời chiến đến những phong trào thi đua thời đại mới, người phụ nữ Đan Phượng vẫn không ngừng khẳng định vị thế, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".
Đồng chí Nguyễn Thị Hiền, Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ,
Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm chính trị huyện Đan Phượng