Sáng 18-02, tại di tích đền Văn Hiến thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Lễ phát hành bộ sách “Cổ kim truyền lục” và kỷ niệm 923 năm Ngày sinh danh nhân Tô Hiến Thành (1102-2025) đã được tổ chức. Dự buổi Lễ có đồng chí Nguyễn Văn Đức, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện dự buổi lễ.
Các đồng chí lãnh đạo huyện tặng hoa chúc mừng xã Hạ Mỗ
Danh nhân Tô Hiến Thành (1102-1179) là một nhà quân sự, một nhà chính trị tài giỏi và là nhà văn hóa lớn sống và cống hiến dưới ba triều vua: Lý Thần Tông, Lý Anh Tông và Lý Cao Tông. Ông có đóng góp rất lớn trong việc dẹp yên phản loạn, giữ gìn sự bình yên của đất nước; mở mang bờ cõi, chiêu tập dân phiêu tán đến những vùng xa xôi, khai khẩn đất hoang… Tô Hiến Thành đã góp công lao lớn vào sự hưng thịnh của vương triều Lý. Nhờ ông mà đời sống nhân dân được chăm lo, việc học hành và đạo Nho được tôn sùng, đề cao. Ông suốt đời phục vụ nhân dân, đến khi nằm bệnh, ông vẫn lo cho công việc triều chính, muốn tiến cử người hiền tài giúp ích cho đất nước.
“Cổ kim truyền lục” là tập thơ văn với khoảng 500 bài, được sáng tác vào năm Đinh Mùi (1907) của các nhà nho ở xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội. Các tác phẩm trong tập “Cổ kim truyền lục” đều toát lên tình cảm thiết tha, trong sáng, phản ánh hiện thực cuộc sống và tấm lòng yêu nước, thương nòi của nhân dân, ca ngợi công ơn các anh hùng dân tộc, các bậc tiên hiền... Tập thơ văn đã góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ đồng thời cổ vũ, khích lệ tinh thần đấu tranh hoặc tìm lời lẽ giảng giải về nhân tình thế thái, về vận mệnh, về cơ hội để làm những việc có ích cho đời; động viên, đem đến cho bà con nhân dân niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai.
“Cổ kim truyền lục” được viết theo nhiều thể loại khác nhau như: Thi, thoại, huấn, tán, ca, lục, thị, biểu..., nhưng tất cả đều “giản dị lời ghi” mà “ý thơ sâu rộng.” Nhiều bài viết theo thể đường luật đã đạt đến trình độ cao, nhất là lối “hồi văn cách”, tức là đọc quay lại từ dưới lên vẫn đúng âm vận và thanh thoát, câu đầu thường lặp lại ở câu cuối.
Mùa đông năm 1907, để tránh sự kiểm soát của chính quyền thực dân Pháp, các nhà nho trong làng đã khôn khéo sử dụng lễ “đồng giáng bút” tại chùa Hải Giác để mượn lời tiên thánh công bố các sáng tác. Năm 1908, các sáng tác được khắc mộc bản tại đền Văn Hiến. Năm 1930, thực dân Pháp cho tay sai về tịch thu mộc bản và nhiều sách lưu hành trong làng. Với thái độ khôn khéo và kiên quyết, nhân dân Hạ Mỗ đã đấu tranh và lấy lại được các bản khắc in cùng một vài bộ sách. Trải qua nhiều thăng trầm, hiện nay mộc bản của “Cổ kim truyền lục” được lưu trữ tại đền Văn Hiến và được tổ chức dịch thuật, hiệu đính, xuất bản. Cuốn sách góp phần lưu giữ và quảng bá một di sản vô cùng quý giá của nhân dân Hạ Mỗ.
Phương Thảo