Tối 02-12, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hoài Đức tổ chức lễ tổng kết Chương trình số 10-CTr/HU của Huyện ủy và trao Bằng công nhận các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, 2023, 2024. Đây là hoạt động của chuỗi sự kiện trong khuôn khổ Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ ba và cũng là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, huyện Hoài Đức trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu cho các xã
Tại buổi lễ tổng kết Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đồng chí Nguyễn Trung Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức, khẳng định những thành tựu vượt bậc của huyện trong gần 5 năm thực hiện Chương trình số 10-CTr/HU. Các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt mức, khẳng định sự quyết tâm và nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân địa phương.
Huyện Hoài Đức đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp bình quân 1,66%/năm, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021-2024 đạt hơn 5.196 tỷ đồng, riêng năm 2024 ước đạt 1.327 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 75% sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện đã được ứng dụng công nghệ cao. Nhiều sản phẩm đặc trưng như nhãn chín muộn Hoài Đức, phật thủ Đắc Sở, bưởi đường Quế Dương, rau an toàn Tiền Lệ đã được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, khẳng định thương hiệu trên thị trường.
Huyện tiếp tục đăng ký nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm truyền thống như bánh gai Yên Sở, ổi Yên Sở, bánh đa nem Ngự Câu. Ngoài ra, sản phẩm bưởi La Tinh (xã Đông La) đã được cấp chỉ dẫn địa lý - thành tựu nông nghiệp đầu tiên của Hà Nội đạt tiêu chuẩn này.
Hoài Đức hiện có 131 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, dự kiến cuối năm 2024 đạt 161 sản phẩm, vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đặc biệt, huyện đã xây dựng 4 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, cùng một trung tâm thiết kế sáng tạo tại xã Sơn Đồng, chuyên quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm mỹ nghệ. Các làng nghề như bánh kẹo-dệt may La Phù và chế biến nông sản Minh Khai cũng đang được chú trọng xây dựng thương hiệu, tạo đà phát triển kinh tế địa phương.
Đời sống văn hóa và vật chất của người dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2024 đạt hơn 86 triệu đồng/người/năm, dự kiến đạt 95 triệu đồng/người vào năm 2025. Huyện đạt tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa 98,5%, gia đình văn hóa 93%, cùng các chỉ tiêu giáo dục, y tế, và môi trường đều đạt hoặc vượt mục tiêu.
Cơ sở hạ tầng xã hội được đầu tư mạnh mẽ với 100% thôn, tổ dân phố có nhà văn hóa, toàn huyện có 106 điểm vui chơi, giải trí, diện tích cây xanh bình quân đạt 4,95m²/người. Hệ thống trường học, cơ sở y tế đều đạt chuẩn quốc gia, góp phần đảm bảo chất lượng sống cao cho người dân.
Đến tháng 11-2024, huyện Hoài Đức đã có 17/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện đang chờ xét duyệt để trở thành địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao cấp huyện, hướng đến hoàn thành toàn bộ mục tiêu trước thời hạn.
Tại buổi lễ, lãnh đạo huyện đã trao bằng công nhận cho 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, 19 tập thể và 50 cá nhân tiêu biểu cũng được khen thưởng vì những đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới.
Một điểm nhấn đặc biệt tại buổi lễ là màn đồng diễn áo dài của 700 hội viên phụ nữ từ 21 cơ sở hội trên địa bàn. Những màn trình diễn duyên dáng, độc đáo đã tạo nên không khí sôi động và giàu bản sắc văn hóa, khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong xây dựng nông thôn mới.
Với những thành tựu vượt bậc và sự đồng lòng của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, huyện Hoài Đức đang từng bước khẳng định vị thế là điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội. Huyện sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.
Hồng Sang