Huyện Phúc Thọ là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, anh hùng bất khuất chống giặc ngoại xâm. Từ buổi đầu công nguyên, nơi đây đã được Hai Bà Trưng lựa chọn làm nơi phất cờ khởi nghĩa, chống lại quân Đông Hán xâm lược, giành lại nền độc lập, tự chủ của dân tộc sau hơn 200 năm bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Lễ Kỷ niệm ngày Hai Bà hội quân tế cờ khởi nghĩa năm 2023
Mảnh đất địa linh gắn với Hội thề non nước đầu tiên
Vào những năm đầu công nguyên, đất nước ta bị quân Đông Hán xâm lược và đô hộ, đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than, cơ cực. Năm 39, Hai Bà Trưng giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, cùng nhân dân cả nước đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hai Bà Trưng đã quyết định chọn cửa sông Hát (nay thuộc xã Hát Môn) làm nơi dựng cờ khởi nghĩa, hội binh, lập Đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận.
Thời điểm đó, cửa sông Hát là nơi giao giữa sông Hồng và sông Đáy, đặc biệt từ cửa sông Hát có thể lan tỏa theo các nhánh sông, đi khắp dải đồng bằng sông Hồng. Với vị trí và địa hình thuận lợi “Sông sâu làm cứ, rừng xanh làm nhà”, Hát Môn trở thành căn cứ vững chắc cho buổi đầu cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà được nhân dân khắp nơi ủng hộ, hưởng ứng, tạo thành sức mạnh như vũ bão. Khí thế của cuộc khởi nghĩa dâng lên ngút trời. Tinh thần yêu nước từ mọi miền đều tìm về Hát Môn tụ nghĩa, quyết tâm đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán ra khỏi bờ cõi nước ta. Để khích lệ tinh thần quân sĩ, Bà Trưng Trắc đã chủ trì lễ tế cáo trời đất, truyền lệnh kêu gọi anh hùng hào kiệt các nơi và tổ chức Hội thề tại bãi Trường Sa - nay là cánh đồng trước cửa Đền Hát Môn. Hội thề Sông Hát đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành Hội thề non nước đầu tiên. Lời thề năm ấy vẫn luôn sục sôi và tràn đầy khí thế:
“Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Hội thề non nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam diễn ra tại Hát Môn đã thể hiện tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc; là biểu tượng sáng ngời của tinh thần đấu tranh quật cường, ý chí tự lực, tự cường, không chịu khuất phục trước kẻ thù của nhân dân Việt Nam.
Từ cửa sông Hát, từ bãi Trường Sa, đại quân của Hai Bà đánh chiếm Đô uý trị ở Mê Linh, rồi tiến đánh thành Cổ Loa và mở cuộc tiến công vào sào huyệt cuối cùng của chính quyền đô hộ Đông Hán ở Luy Lâu. Được sự hưởng ứng của Lạc Hầu, Lạc tướng và nhân dân cả nước, chỉ trong thời gian ngắn, với khí thế sục sôi, mạnh mẽ như nước vỡ bờ, Hai Bà Trưng đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi quân Tô Định ra khỏi bờ cõi, giành lại giang sơn, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán. Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi một dấu son sáng chói đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc.
Ngay sau khởi nghĩa giành thắng lợi, Bà Trưng Trắc xưng Vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố xây dựng lại đất nước. Bà Trưng đã trở thành vị vua nữ đầu tiên của dân tộc, nữ vương đầu tiên trên thế giới.
Phát huy tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Tự hào là mảnh đất gắn liền với tên tuổi, chiến công của Hai Bà; từ bao đời nay, các thế hệ người dân Phúc Thọ đều lập đền thờ và thường xuyên tu bổ, tôn tạo; đồng thời, trao truyền cho con cháu những giá trị văn hóa thiêng liêng. Năm 2013, ngôi đền Hát Môn đã được Nhà nước công nhận Di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, tại khu di tích đền Hát Môn, nhân dân tổ chức 3 kỳ lễ hội, đó là: Lễ hội 6-3 âm lịch để cúng giỗ Hai Bà; đại lễ 4-9 âm lịch để tưởng sự kiện Hai Bà Trưng hội quân, lập đàn thề, tế trời đất trước khi ra trận; đại lễ 24 tháng Chạp để mừng chiến thắng. Với giá trị lịch sử quý giá cùng những nét văn hóa độc đáo, năm 2016, Lễ hội đền Hát Môn đã được Bộ Văn hoá - Thể thao & Du lịch xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày nay, kế thừa và phát huy tinh thần cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ đã và đang ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Đến nay, huyện có 20/20 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 huyện được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện đang tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, năm 2023, xã Hát Môn - quê hương của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vinh dự và tự hào là xã đầu tiên của huyện đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2023, thu ngân sách của huyện đạt gần 1.000 tỷ đồng - là mức thu cao nhất từ trước tới nay; thu nhập bình quân đầu người đạt 69,5 triệu đồng/người…
Xác định văn hóa là sức mạnh nội sinh
Là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, huyện Phúc Thọ xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh và là động lực để phát triển quê hương. Những năm gần đây, huyện Phúc Thọ đã có nhiều định hướng, quyết sách như việc ban hành, triển khai thực hiện các Đề án “Phát huy giá trị tinh thần cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của người Phúc Thọ”, Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Phúc Thọ đến năm 2030 và những năm tiếp theo”. Thông qua đó nhằm giáo dục lòng yêu nước, tự hào về quê hương, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Đồng thời, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống; đưa di sản văn hóa vào phục vụ phát triển du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cùng với việc chú trọng bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích; huyện đã quan tâm xây dựng các điểm du lịch. Ngày 04-9-2024 vừa qua, Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch là kết quả của những nỗ lực ban đầu của Phúc Thọ trong việc đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng khơi dậy, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống để quảng bá văn hóa, hình ảnh quê hương, đồng thời thu hút khách du lịch. Tới đây, đại lễ ngày Hai Bà Trưng hội quân, lập đàn thề, tế cờ khởi nghĩa (mùng 4 tháng Chín âm lịch) sẽ được tổ chức theo quy mô cấp huyện, càng khẳng định quyết tâm của huyện Phúc Thọ trong việc khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển quê hương.
Nguyễn Tuyết