Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi công tác Tuyên giáo, công tác chính trị - tư tưởng là mặt trận hàng đầu, là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. 94 năm qua, ngành Tuyên giáo của Đảng đã nỗ lực không ngừng xây dựng và trưởng thành, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tự hào về truyền thống vẻ vang và ý thức rõ trách nhiệm của Thủ đô, ngành Tuyên giáo Hà Nội với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết tâm đóng góp hiệu quả hơn nữa vào sự phát triển của Thủ đô và đất nước.
Lịch sử vẻ vang đáng tự hào
Ngày 1-8-1930 được chọn là Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, nhưng trên thực tế, công tác tuyên giáo đã có từ trước khi thành lập Đảng, từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu các hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cứu nước vào Việt Nam. Sau Hội nghị thành lập Đảng, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập Ban Cổ động và Tuyên truyền. Đây là cơ quan tham mưu, chỉ đạo công tác tư tưởng của Đảng với nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền, giác ngộ quần chúng về chủ nghĩa Mác - Lênin, về Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và đường lối cách mạng của Đảng; đồng thời cổ vũ động viên các tầng lớp nhân dân giác ngộ cách mạng, hiểu Đảng, ủng hộ Đảng, tin và đi theo Đảng làm cách mạng.
Ngày 1-8-1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1-8”, là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu giữ đến nay đề rõ “Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành”. Ngay sau khi phát hành, Tài liệu đã tạo được tiếng vang lớn, có sức cổ vũ mạnh mẽ quần chúng cách mạng nước ta đứng lên đấu tranh. Đây là mốc son đánh dấu vai trò lịch sử của công tác tuyên giáo của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2000, Bộ Chính trị (Khoá VIII) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hoá của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) đã quyết định lấy ngày 1-8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
94 năm qua, trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng, ngành Tuyên giáo của Đảng luôn có những đóng góp xứng đáng. Dấu ấn lịch sử đầu tiên và sáng rõ nhất là công tác tuyên giáo đã góp phần xây dựng, phát triển phong trào cách mạng, khơi dậy và phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng, thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Trong giai đoạn 1945-1954, công tác tuyên giáo đã tham gia tích cực và hiệu quả vào nhiệm vụ huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong giai đoạn 1954-1975, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi là Chủ tịch Quốc hội đã trao bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng ngành Tuyên giáo tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Ðảng (1/8/1930- 1/8/2010). Ảnh: Báo Nhân Dân
Tiếp đó, trong gần 50 năm sau khi đất nước thống nhất và gần 40 năm đổi mới, đất nước đặt ra muôn vàn khó khăn, nhất là trước những nguy cơ ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhờ phát huy vai trò đúng lúc, ngành Tuyên giáo đã góp phần củng cố niềm tin, nâng cao đoàn kết, nâng cao ý chí quyết tâm trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Và những nỗ lực của ngành Tuyên giáo cả nước đã góp phần giúp Đảng ta vững vàng chèo lái con thuyền đất nước vượt qua thời kỳ mà có lúc đất nước ở thế “ngàn cân treo sợi tóc” do khó khăn về kinh tế và đời sống, do chiến tranh, do tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế...
“Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” chính là lời khẳng định đanh thép về thành tựu lãnh đạo của Đảng, trong đó có phần đóng góp, cống hiến không nhỏ của đội ngũ người làm công tác tuyên giáo các thế hệ.
Giữ vững mặt trận tư tưởng chính trị
Không lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 17-3-1930 đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ngay trong những ngày ban đầu ấy, công tác tuyên giáo ở Thủ đô đã được triển khai thực hiện, nhưng phải đến năm 1949 mới là thời điểm đánh dấu sự ra đời chính thức cơ quan chuyên trách về tuyên giáo của Đảng bộ Thủ đô. Đó là ngày 3-3-1949 khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18/NQ/TUHN tách Ban Tuyên huấn ra khỏi Ban Đảng vụ, đây được coi là ngày thành lập Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân lập nên những chiến công vẻ vang góp phần vào thắng lợi chung của đất nước. Ghi nhận những đóng góp của ngành Tuyên giáo Thủ đô, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhiều phần thưởng cao quý như: “Huân chương Hồ Chí Minh”, “Huân chương Độc lập hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Nhất”, “Huân chương Lao động hạng Ba” và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tham quan sa bàn quy hoạch đô thị huyện Đông Anh trong cuộc làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy tháng 3-2024.
Lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo Hà Nội còn có những trang đáng tự hào với những đóng góp của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tây cũ và những cán bộ làm công tác tuyên giáo ở huyện Mê Linh hay 4 xã thuộc Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Ngày 1-8-2008 hợp nhất về chung một nhà, ngành Tuyên giáo Hà Nội càng thêm lực lượng mạnh mẽ. Hợp nhất là sự kiện chưa có tiền lệ với nhiều khó khăn đặt ra, nhất là những lo lắng về sự đoàn kết, hòa hợp trong hệ thống chính trị và đời sống văn hóa. Thế nhưng, nhờ nhờ cách làm bài bản, được triển khai đồng bộ, trong đó có các giải pháp tuyên truyền, giáo dục hiệu quả với sự tham gia của ngành Tuyên giáo mà Hà Nội đã thực hiện hợp nhất thành công. Đến nay sau 16 năm nhìn lại, Hà Nội đã có sự phát triển tích cực, tạo lập tâm thế mới, vị thế mới trên con đường phát triển, xứng đáng là trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục-đào tạo và hội nhập quốc tế.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục cho thấy tinh thần chủ động, đổi mới. Các mặt công tác của ngành Tuyên giáo đều có chuyển biến ngày càng rõ nét, nhất là khả năng thích ứng với các yêu cầu nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó. Tiêu biểu là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ngành Tuyên giáo Hà Nội đã đi đầu trong chuyển đổi số, trong ứng dụng công nghệ thông tin, internet vào công tác; nhờ đó, mặc dù có những khoảng thành phố phải thực hiện cách ly, nhưng việc học tập, nghiên cứu, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của trung ương và Thành ủy không bị chậm trễ; thậm chí còn tạo sức bật mới cho nhiệm vụ “đưa nghị quyết vào cuộc sống” như nhờ học nghị quyết trực tuyến mà triển khai được rộng hơn, sâu hơn; tiêu biểu như việc triển khai học tập Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội còn phát huy vai trò chủ động, đổi mới sáng tạo của hệ thống tuyên giáo ở địa phương, từ đó làm cho nảy nở nhiều mô hình đổi mới trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng như ứng dụng công nghệ thông tin trong nắm bắt dư luận, giải quyết ý kiến kiến nghị của người dân... Ban Tuyên giáo Thành ủy còn duy trì và phát huy hiệu quả Trang thông tin Thành ủy, đưa địa chỉ Thanhuyhanoi.vn trở thành kênh thông tin tổng hợp đáng tin cậy, góp phần định hướng dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Tuyên giáo Thành ủy còn tích cực tham gia xây dựng nội dung tuyên truyền trên Sổ tay đảng viên điện tử Thành phố Hà Nội; chủ trì tham mưu tổ chức 2 giải báo chí thường niên của Thành ủy về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và về văn hóa; phát động và triển khai các cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị… Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức hội nghị giao ban công tác tuyên giáo trong triển khai thực hiện Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, gắn với ký kết giao ước thi đua giữa 7 quận, huyện và các cơ quan báo chí của thành phố; qua đó đóng góp vào một trong những dự án lớn nhất và có thể trở thành động lực mới phát triển Thủ đô và đất nước.
Năm 2024, Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban đã hoàn thiện 156/156 đầu việc đề ra. Trong đó, Ban đã chủ động tham mưu, ban hành 923 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên giáo Thành phố. Đặc biệt, Ban đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu của cơ quan thường trực Tổ biên tập tổng hợp và xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII, nhất là việc tham mưu xây dựng dự thảo Chủ đề và Phương châm Đại hội; tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”... Ngành Tuyên giáo Hà Nội còn tích cực đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền - nghiên cứu dư luận xã hội, gắn với triển khai các chương trình phối hợp; tập trung đa dạng hóa các hình thức triển khai như tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ, tập huấn, kết hợp giao ban và đi thực tế... Nổi bật là việc tham mưu chỉ đạo tổ chức các hoạt động tuyên truyền 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024), 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với nhiều hình thức như tổ chức cuộc thi tìm hiểu, hội thảo... Công tác tham mưu và tổ chức học tập, quán triệt, triển khai và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Trung ương, Thành ủy tiếp tục có đổi mới kết hợp hài hòa hình thức trực tuyến với trực tiếp và tuyên truyền miệng, xây dựng đề cương tuyên truyền phát trên hệ thống truyền thanh của địa phương... Ngành Tuyên giáo Hà Nội tiếp tục tăng cường chuyển đổi số, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ động, đổi mới, “đi trước mở đường”
Thời gian tới, trước mắt là từ nay đến hết năm 2024 và năm 2025, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội xác định rõ yêu cầu phải bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, của Thành ủy Hà Nội, từ đó triển khai nhiệm vụ với quyết tâm chất lượng, đúng tiến độ hoàn thành toàn bộ 130 nội dung cụ thể trong Chương trình công tác tuyên giáo Thành phố năm 2024; chủ động, sáng tạo, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.
Đúng như tinh thần chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo thành phố, thời gian tới, ngành Tuyên giáo Thủ đô phải nỗ lực "đi trước mở đường" trong hoạt động tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, đề nghị, hệ thống tuyên giáo thành phố tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Các cơ quan tuyên giáo các cấp ủy thành phố cần chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng tham mưu chỉ đạo, định hướng thông tin tuyên truyền về các nhiệm vụ và kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị... Công tác tuyên truyền phải đa dạng các hình thức thông tin để thực hiện định hướng hiệu quả tới các nhóm đối tượng khác nhau. Việc giao ban hằng tháng tại các cụm do Ban Tuyên giáo Thành ủy quản lý cần tiếp tục nâng cao chất lượng, trong đó chú trọng giao ban dư luận theo chuyên đề; kiện toàn, mở rộng mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội thành phố, bổ sung cộng tác viên là chuyên gia trên một số lĩnh vực.
Thực hiện chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Thường trực Thành ủy, ngành Tuyên giáo Thủ đô sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác chuyên môn của ngành Tuyên giáo qua đó tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, lề lối làm việc. Đây cũng chính là con đường để ngành Tuyên giáo Hà Nội nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong nội bộ cũng như với các cơ quan, đơn vị khác, khối khác...
Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2024 được dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, khó đoán định, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô xác định tiếp tục chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống, hoàn cảnh. Trước mắt, trong năm 2024, ngành Tuyên giáo Hà Nội cần chủ động, tích cực tham gia triển khai tổ chức thực hiện Luật Thủ đô 2024 và 2 bản quy hoạch lớn về Thủ đô; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung ở mức độ cao nhất để đưa luật và quy hoạch vào cuộc sống, qua đó tạo xung lực mới cho Thủ đô phát triển. Hệ thống Tuyên giáo Thủ đô cũng sẽ tiếp tục duy trì và hợp tác hiệu quả với các cơ quan Trung ương, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác tuyên giáo góp phần xây dựng chủ trương, chính sách trong phát triển tuyên giáo cũng như giải quyết những vấn đề khó khăn, phức tạp trên địa bàn.
Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống của ngành Tuyên giáo là dịp để chúng ta cùng ôn lại và phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của ngành Tuyên giáo; bồi đắp thêm niềm tự hào về những đóng góp to lớn, có ý nghĩa lịch sử của ngành trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; củng cố và tăng cường niềm tin vào mục tiêu lý tưởng, nền tảng tư tưởng của Đảng.
Phan Lâm - Linh Vũ