An ninh - quốc phòng

Vai trò của lực lượng vũ trang trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945
Ngày đăng 19/08/2024 06:08

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập, tự do.

Thắng lợi vĩ đại này bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ truyền thống đoàn kết, yêu nước của nhân dân Việt Nam; của việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đặc biệt, góp phần làm nên thắng lợi đó còn có vai trò to lớn của LLVT.

1. Nhận thấy tầm quan trọng của LLVT đối với sự nghiệp cách mạng, ngay từ khi thành lập, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là “tổ chức ra đội quân công nông”. Luận cương chính trị (tháng 10-1930) của Đảng ngoài việc xác định “lập đội quân công nông”, còn đề ra nhiệm vụ “tổ chức đội tự vệ của công nông” và khi võ trang giành chính quyền là “võ trang cho công nông”.

Ngày 28-8-1945, đoàn Giải phóng quân ở Việt Bắc về duyệt binh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Từ các cuộc khởi nghĩa, LLVT địa phương lần lượt ra đời. Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 9-1940) dẫn tới sự ra đời của Đội Du kích Bắc Sơn. Khởi nghĩa Nam Kỳ (tháng 11-1940) dẫn tới sự xuất hiện nhiều tổ chức vũ trang với tên chung là quân du kích Nam Kỳ. Cuộc binh biến Đô Lương (năm 1941), báo hiệu thời kỳ đấu tranh giành chính quyền bắt đầu ở cả 3 miền. Trên cơ sở sự ra đời của các LLVT địa phương, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941) nhận định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”, vì thế chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta.

Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập. Đây là sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng LLVT cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự ra đời của lực lượng này dẫn tới sự ra đời của hệ thống tổ chức LLVT cách mạng gồm 3 thứ quân: Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-quân chủ lực; các đội vũ trang thoát ly ở các tỉnh, châu, huyện và các đội quân địa phương; các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng, xã, xí nghiệp, đường phố-lực lượng bán vũ trang địa phương. Đến ngày 15-5-1945, lễ hợp nhất các tổ chức LLVT cách mạng Việt Nam thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức. Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.

2. Đầu năm 1945, tình hình thế giới có sự chuyển biến mau lẹ, tạo thuận lợi lớn cho cách mạng Việt Nam. Ở trong nước, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển mạnh mẽ. Đêm 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp. Ngay trong đêm ấy, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp mở rộng ở Đình Bảng (Bắc Ninh), xác định phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể trước mắt, duy nhất của nhân dân Đông Dương, thay khẩu hiệu đánh đuổi Nhật-Pháp bằng khẩu hiện đánh đuổi phát xít Nhật... Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.

Các đơn vị Vệ quốc đoàn rời Hà Nội vào Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu

Đêm 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1: Hiệu triệu toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 14-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhận định thời cơ đã đến, quyết định tổng khởi nghĩa trong toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Ngày 16 và 17-8-1945, Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương “Tổng khởi nghĩa” của Đảng. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Hưởng ứng lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh và Ủy ban Khởi nghĩa, các đơn vị Giải phóng quân, du kích quân từ căn cứ địa Việt Bắc đến các chiến khu tổ chức tiến công địch, mở đường cho quần chúng vùng lên giành chính quyền. Điển hình là, từ căn cứ Tân Trào, một đơn vị vũ trang chủ lực tiến về Thái Nguyên, phối hợp với nhân dân lập chính quyền cách mạng và tiến thẳng về Hà Nội. Tại Lạng Sơn, đơn vị Giải phóng quân cùng nhân dân đánh đồn Đồng Mỏ, buộc quân Nhật phải xin hàng...

Với khí thế cách mạng sục sôi, ở nhiều địa phương, mặc dù Giải phóng quân chưa đến kịp, nhưng với lực lượng chính trị mạnh mẽ của nhân dân, có LLVT và bán vũ trang tại chỗ trợ lực, các cấp đảng bộ và các ủy ban khởi nghĩa đã vận dụng linh hoạt sách lược đấu tranh, đưa khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. Tiêu biểu cho phương thức này là cuộc nổi dậy của nhân dân các thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đặc biệt, tại Hà Nội, nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và Bộ chỉ huy quân Nhật (với quy mô khoảng 10.000 tên), nhưng ta chỉ có 3 chi đội tự vệ chiến đấu cùng đông đảo quần chúng đối phó với địch.

Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức các đội tự vệ, xung kích đi đầu, dẫn dắt hàng chục vạn quần chúng nhân dân mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quần chúng nhân dân, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Quân sự cách mạng, chúng ta nhanh chóng chiếm Phủ Khâm sai, Tòa thị chính, Kho bạc, Bưu điện, trại Bảo an... đưa cuộc khởi nghĩa ở trung tâm đầu não địch giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi nhanh gọn ở Hà Nội đã thúc đẩy nhiều địa phương trên cả nước tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân.

Điểm đặc biệt là, trong khí thế sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tại các địa bàn trọng yếu, LLVT 3 thứ quân đã trở thành các mũi xung kích, đi đầu trong việc tuyên truyền để toàn thể nhân dân nhận rõ thời cơ “có một không hai” của cách mạng, thực hiện các phương pháp đấu tranh phù hợp với tình hình, đối tượng.

Quá trình vận động, tuyên truyền, LLVT luôn sát cánh cùng quần chúng; kiên trì giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các tầng lớp nhân dân, giải thích rõ chính quyền cách mạng là của ai, vì ai. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, chống phá cách mạng. Đây thực sự là cuộc vận động lớn, thiết thực và hiệu quả nhất để toàn thể nhân dân các địa phương thấy rõ kẻ thù đấu tranh lúc này, đồng loạt nổi dậy phối hợp với LLVT cách mạng diệt quân Nhật, vô hiệu hóa và lật đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa-Nhà nước công-nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Phát huy bài học về xây dựng và sử dụng LLVT trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975), thực hiện hình thức, phương pháp bạo lực cách mạng, chiến tranh cách mạng, Đảng ta tiếp tục chỉ đạo xây dựng bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, trong đó, bộ đội chủ lực là nòng cốt hỗ trợ, cùng LLVT và nhân dân kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, ngoại giao; thực hiện tiến công quân địch rộng khắp ở cả 3 vùng chiến lược; tiến công địch từ nhỏ đến lớn, từ cục bộ đến toàn bộ; giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo xây dựng LLVT về mọi mặt, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử

Link:https://www.qdnd.vn/vung-buoc-duoi-quan-ky-quyet-thang/vai-tro-cua-luc-luong-vu-trang-trong-cach-mang-thang-tam-nam-1945-790033 

  LIÊN KẾT WEBSITE