Ngày 06-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở Tổ về 3 dự án luật gồm: Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ 01, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. Ảnh: Quochoi.vn
Tại Tổ 01 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), tham dự có đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố; đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố; đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Thành uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.
Đáng chú ý, thảo luận về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đa số đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra và khẳng định, việc xây dựng Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm tạo cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Các đại biểu khẳng định, việc ban hành luật là cần thiết, nhất là trong thời điểm Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4-5-2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, điểm nổi bật của dự thảo Luật này là nhấn mạnh va trò của đổi mới sáng tạo bên cạnh khoa học công nghệ; phạm vi điều chỉnh rộng bao gồm cả khởi nghiệp sáng tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cơ chế thử nghiệm công nghệ mới. Bên cạnh đó, rất nhiều khái niệm mới được đưa vào như liêm chính khoa học, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng quản lý khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia, kiểm thử thí điểm, hệ thống đổi mới sáng tạo, cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu… Đây là điểm mới rất tiến bộ, nhằm khuyến khích sáng tạo, dám thử nghiệm.
Đại biểu Lê Quân phát biểu thảo luận tại Tổ 01. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Lê Quân nhận định: “Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đặc biệt quan trọng, là luật đầu tiên giúp khơi thông khu vực kinh tế tư nhân, vai trò của khu vực công – tư; luật có sự tinh giản, cô đọng về cấu trúc, có đổi mới tư duy trong tiếp cận đầu ra, là nền tảng để hình thành thị trường khoa học công nghệ”.
Về quy định liên quan đến thương mại hóa sản phẩm, có một số ý kiến băn khoăn về đề xuất phân chia kết quả thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ hay phân chia lợi nhuận sau thuế. Đại biểu Lê Quân cho rằng, quy định theo hướng phân chia lợi nhuận sau thuế, sau khi chuyển giao, trừ chi phí, còn lại lợi nhuận để phân chia (tối thiểu 30% cho nhà khoa học, tối thiểu 30% cho các cá nhân có liên quan đến quá trình chuyển giao, còn lại dành cho các hoạt động khác) là phù hợp. Đại biểu cho rằng, đây là điểm mới, có thể coi là cơ chế “khoán 10” đối với nhà khoa học, bởi nhà khoa học tiến hành nghiên cứu và kết hợp với thị trường và doanh nghiệp sẽ mang lại nguồn thu nhập rất tốt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định rõ hơn thương mại hóa sản phẩm trong một số trường hợp vì mục đích an ninh, quốc phòng hay hoạt động hợp tác có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, nên áp dụng theo cơ chế thỏa thuận.
Một số ý kiến cho rằng, khi xây dựng luật, cần coi cơ sở giáo dục đại học là trung tâm của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ; đồng thời đề nghị thống nhất trong dự thảo luật theo hướng đơn vị nào có đủ năng lực có thể tham gia vào hoạt đông nghiên cứu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Linh Vũ - Phan Lâm