Ngày 07-10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu”.
Đây là một trong hai sự kiện cấp quốc gia trong chuỗi các sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tham dự hội thảo, về phía trung ương có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an… cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành, một số tỉnh, thành phố.
Đại biểu thành phố Hà Nội tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; lãnh đạo các ban Đảng của Thành ủy, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.
Đặc biệt, tham dự hội thảo có đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn thành phố; các chuyên gia, nhà khoa học; một số tổ chức quốc tế gắn bó với sự nghiệp phát triển Thủ đô; các hiệp hội, doanh nghiệp.
Các đồng chí chủ trì Hội thảo khoa học quốc gia
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hội thảo ngày hôm nay là cơ hội để lãnh đạo thành phố lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm hiện thực hóa định hướng và mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Trần Sỹ Thanh nêu 3 nội dung chủ yếu mong muốn các chuyên gia trao đổi, làm rõ hơn các luận cứ khoa học và thực tiễn để Thủ đô sớm hoàn thành sứ mệnh của mình. Trong đó, bên cạnh việc đánh giá ý nghĩa trọng đại của ngày giải phóng Thủ đô, khẳng định sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tinh thần đại đoàn kết toàn dân, ý chí, quyết tâm và sức mạnh của quân và dân Thủ đô...; xác định vị trí, vai trò, sứ mệnh của Thủ đô Hà Nội với cả nước; Chủ tịch UBND thành phố đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học phân tích, làm rõ những tiêu chí cụ thể trong định hướng phát triển Thủ đô với tầm nhìn mới, tư duy mới; đặc biệt là những cơ hội mới khi Hà Nội triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) và thực hiện Quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Phát biểu khai mạc đề dẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, 70 năm qua, từ thực tiễn xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô đã dệt kết nên những bài học kinh nghiệm quý báu. Hà Nội khẳng định vị trí trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế; định vị trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế bằng những danh xưng cao quý. Điều đó mang đến những cơ hội mới, động lực mới để Hà Nội hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 là thành phố “Văn hiến - văn minh - hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề dẫn hội thảo
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã nêu một số vấn đề trọng tâm để xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu đề nghị hội thảo tập trung thảo luận. Theo đó, cần trân trọng giữ gìn và phát huy di sản văn hiến vô giá của Thủ đô, cũng là của đất nước mà tổ tiên cùng các thế hệ cha ông ta đã để lại; xây dựng Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, xanh, đáng sống, an toàn và mến khách; chủ động, tích cực đẩy mạnh, nâng tầm hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện của Thủ đô; quyết liệt, kiên trì xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị của Thủ đô Hà Nội đoàn kết thống nhất, thật sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh toàn diện.
GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tham luận tại hội thảo
Là người mở đầu phần tham luận, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương tập trung vào 3 nội dung: Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền tảng định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội; sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội và những nội dung cốt yếu trong chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước về phát triển Thủ đô. Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển, Thủ đô Hà Nội đã có tầm vóc, vị thế xứng đáng, tiềm lực đủ mạnh; thể chế thông thoáng, môi trường quốc tế thuận lợi và ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các địa phương trong cả nước, sự hợp tác quốc tế hiệu quả.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân Hà Nội đã trưởng thành vượt bậc, tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm phong phú, quý báu. Đó chính là những tiền đề vững chắc để Hà Nội phát triển bứt phá, trở thành Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, cùng cả nước tiến mạnh vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham luận tại hội thảo
Nêu bật vị thế của Thủ đô suốt chiều dài lịch sử của đất nước qua bài tham luận “Vị thế của Kinh đô - Thủ đô Cổ Loa, Thăng Long, Hà Nội trong tiến trình lịch sử Việt Nam”, GS.TS, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Quang Ngọc (Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) khẳng định, nguồn lực con người là nguồn lực lớn nhất, là lợi thế căn bản và giữ vai trò quyết định tương lai phát triển của Hà Nội. Vì thế, phát huy tối đa nhân tố con người, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại chính là chìa khóa thành công của công cuộc xây dựng Thủ đô Văn hiến - văn minh - hiện đại.
Quang cảnh hội thảo
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: “Không có gì phải nghi ngờ Hà Nội là “toạ độ” hội tụ sức mạnh quốc gia khi tích hợp tiềm năng, tổ hợp lợi thế và hội tụ tài năng. Đó là những lợi thế tuyệt đối”.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh để thực hiện được sứ mệnh của mình, Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt to lớn và khác biệt từ Trung ương, trong đó, có việc dành ưu tiên về nguồn lực quy mô lớn, cung cấp các dự án phát triển đặc biệt để tạo khai thông - đột phá và những thể chế, giải pháp vượt trội nhằm tạo không gian mở, cơ hội phát triển mới cho Hà Nội.
Trong khi đó, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, đối với 5 đô thị vệ tinh trong quy hoạch chiến lược của Thủ đô trong thời gian tới, cần rà soát lại mô hình và lộ trình phát triển để có kế hoạch tập trung nguồn lực đầu tư theo thứ tự ưu tiên; cần kế thừa mô hình phát triển đô thị đã được xác định tại đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu bế mạc hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, 12 ý kiến phát biểu, tham luận trực tiếp cùng các tham luận gửi tới hội thảo đã khẳng định sự quan tâm đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội. Nhiều ý kiến chỉ rõ, Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội sẽ ngày càng hội tụ nhiều tiềm năng to lớn cho phát triển. Tuy nhiên, tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới; đòi hỏi Hà Nội phải vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đi sâu phân tích, tổng kết các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế chỉ ra, để thực sự tạo đột phá phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới cần ưu tiên tập trung vào các vấn đề như dịch vụ và kinh tế đô thị; phát triển công nghiệp văn hoá kết hợp với dịch vụ, du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm hàng đầu về công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo …
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu ở nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây là lực lượng trí thức tâm huyết, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
“Những ý kiến đề xuất giải pháp, kiến nghị của các đồng chí lãnh đạo, các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố và các chuyên gia, nhà khoa học, các quý vị đại biểu là cơ sở quan trọng giúp Thủ đô Hà Nội tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triền đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị” - đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.
Phan Lâm - Nguyễn Thành