“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, hình thành nên tư tưởng “đền ơn đáp nghĩa” và thường xuyên thực hiện trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.
Phát huy truyền thống của dân tộc và giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, làm tốt công tác tri ân thương binh, liệt sĩ và những người có công với đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và chúc Tết các thương binh ở Trường Thương binh hỏng mắt, ngày 11-2-1956. Ảnh: Bảo tàng Hồ Chí Minh
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra, được nuôi dưỡng và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, thương nòi. Từ nhỏ Người đã chứng kiến cảnh “nước mất, nhà tan”, thấu hiểu những nỗi đau của gia đình và dân tộc. Chính vì thế mà ở Người sớm hình thành lòng nhân ái, tình yêu thương con người bao la, từ đó hình thành khát vọng cống hiến, hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, dân tộc.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “uống nước nhớ nguồn” là lòng biết ơn, trân trọng những thành quả do thế hệ trước tạo dựng và ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị đó. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dẫu bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn thường xuyên quan tâm đến công tác “đền ơn đáp nghĩa”. Đặc biệt là với những người có công, những người đã hy sinh tính mạng hoặc một phần thân thể của mình cho cuộc kháng chiến bảo vệ chủ quyền và giành lại độc lập cho dân tộc.
Những khát vọng đó và thực tiễn trải nghiệm đấu tranh cách mạng đã góp phần hình thành ở Chủ tịch Hồ Chí Minh tư tưởng toàn diện, sâu sắc về công tác “đền ơn đáp nghĩa”.
2. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 2-1947, với sự quan tâm chân thành, sâu sắc tới các thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Và tại hội nghị bàn về công tác thương binh, liệt sĩ tổ chức vào tháng 6-1947 ở Đại Từ, Thái Nguyên, Người chỉ thị lấy ngày 27-7 hằng năm làm “Ngày thương binh toàn quốc” (từ năm 1955 đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ).
Trong “Thư gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc” lần thứ nhất (27-7-1947) thể hiện rõ tư tưởng “đền ơn đáp nghĩa” của Người: “Thương binh là những người ưu tú hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ấy đã chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Người cũng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Vì vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”.
Để phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “đền ơn đáp nghĩa” là “nghĩa vụ của nhân dân đối với những chiến sĩ bị thương, bị bệnh; không nên coi đó là một việc làm phúc”. Người kêu gọi mọi người, thực hiện công tác “đền ơn đáp nghĩa” phải xuất phát từ tình cảm chân thành và lòng biết ơn đối với những hy sinh to lớn của thương binh, tử sĩ. “Các cụ già thượng thọ, các cháu bé sơ sinh, bộ đội, công an trên các mặt trận, những đồng bào đang đau yếu thì không nên nhịn, còn tất cả mọi người khác đều nhịn ăn một bữa một cách tự động, tuyệt đối không cưỡng bức, làm sao cho mọi người hăng hái tham gia đền ơn đáp nghĩa”. Người cũng cho rằng, “uống nước nhớ nguồn” là nguyên tắc sống, mỗi người đều phải nhớ, và “đền ơn đáp nghĩa” là sự nghiệp lâu dài, là trách nhiệm của mọi người, phù hợp với truyền thống đạo lý của dân tộc và phải gắn với từng đối tượng cụ thể.
Không chỉ động viên, chia sẻ, Bác cũng ân cần nhắc nhở, mong muốn anh em thương binh, bệnh binh không nên dựa dẫm, ỉ lại, bi quan, chán nản mà phải cố gắng vươn lên để trở thành “người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”.
Trong bản Di chúc để lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đối với những người dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn… Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi công sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn ổn định, quyết không để họ bị đói rét”.
Theo thống kê, trong các bài viết trên cương vị Chủ tịch nước giai đoạn 1945 - 1969, Bác Hồ đã 59 lần đề cập đến “thương binh, bệnh binh”, “thương binh tử sĩ”, “đền ơn đáp nghĩa”. Tuy nhiên, không chỉ dừng ở những lời nói, bài viết, mà Người chính là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”. Đơn cử như vào tháng 1-1947, khi nghe tin con trai thứ hai của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Giám đốc Y tế Bắc Bộ, đã hy sinh (trước đó, người con thứ nhất của bác sĩ cũng đã hy sinh ngay sau ngày Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945), Người đã gửi thư thăm hỏi, trong thư có đoạn: “Mất một thanh niên, thì hình như tôi đứt một đoạn ruột… Nhưng cháu và các thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, vật chất họ mất nhưng tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam…. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ”. Hay trong “Ngày thương binh toàn quốc” đầu tiên (27-7-1947), Người đã tình nguyện ủng hộ những món quà thấm đẫm ân tình: “Tôi xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi, và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”. Tháng 8-1948, biết tin cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định có 6 người con tham gia kháng chiến, trong đó 4 người hy sinh oanh liệt vì Tổ quốc, Bác đã viết thư chia sẻ với những tình cảm thực sự chân thành, cảm động: “Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ: “Một nhà trung hiếu, Muôn thuở thơm danh”. Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một cái áo mà đồng bào đã biếu tôi”. Dù bận nhiều công việc nhưng vào tháng 7 hằng năm, Người vẫn gửi thư, tặng quà động viên hoặc trực tiếp đến thăm thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ. Sự quan tâm, tình cảm của Bác đã trở thành nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với thương bệnh binh và thân nhân liệt sĩ, cổ vũ họ nỗ lực vươn lên.
3. Kế thừa, phát huy những giá trị tư tưởng đạo đức “uống nước nhớ nguồn” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong 77 năm qua Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” ngày càng lan tỏa, trở thành sâu rộng, với nhiều hoạt động như: Tặng quà cho các gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách; xây nhà tình nghĩa; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc màu da cam; giúp đỡ thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ; tìm mộ liệt sĩ…
Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã góp phần làm vơi bớt nỗi đau cũng như khó khăn trong cuộc sống của các thương, bệnh binh và thân nhân của họ cũng như các gia đình liệt sĩ, đồng thời vun đắp niềm tự hào về truyền thống vẻ vang và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử