Đấu tranh chống quan điểm sai trái phòng, chống "Tự diễn biến, tự chuyển hóa"

Không để cán bộ yếu kém lọt vào quy hoạch - Bài 2: Siết quy trình, vạch chân tướng sai phạm
Ngày đăng 19/07/2024 21:38

Tiến cử, giới thiệu, quy hoạch, đề bạt cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược quyết định sự thành bại đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Do đó, cần phải quy được trách nhiệm cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân trong việc tiến cử, thẩm định, quy hoạch, đề bạt bổ nhiệm cán bộ khi để xảy ra sai phạm.

Cần nhận diện được dấu hiệu sai phạm của cán bộ quy hoạch

Trong tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” của tác giả La Quán Trung, quân sư Gia Cát Lượng là bậc kỳ tài trong nhìn người. Có nhiều cách nhìn người được ông sử dụng từ cách đây hàng nghìn năm nhưng vẫn còn giá trị, đó là: Dùng đúng sai để xét lập trường, chí hướng; dùng lợi để xét lòng liêm chính; dùng rượu để xét tính cách; dùng nguy khốn để xét dũng khí; dùng thời hạn để xét chữ tín...

 Với bản ngã con người, khi dễ bị cám dỗ và bộc lộ nhất là trước của cải, tiền bạc, lợi ích, chức tước và sắc đẹp. Bề ngoài có những dấu hiệu để nhận diện được các biểu hiện tiêu cực của cán bộ, được thể hiện ngay trong công việc, trong ứng xử, sinh hoạt hằng ngày. Qua nhiều vụ việc, những cán bộ có sai phạm thì trước đó dư luận đều xì xào về họ. Không nghi ngờ về sự bổ nhiệm “thần tốc”, “con ông cháu cha”, “phe cánh”, “nâng đỡ không trong sáng” thì cũng là những xì xào về phẩm chất, lối sống, về tài sản bất minh... Ở nhiều địa phương, có những nơi đã hình thành khu nhà ở của một số quan chức hoặc vợ con họ với lối sống xa xỉ, xa cách với nhân dân lao động. Những điều này cho phép chúng ta có cơ sở để nhận biết các dấu hiệu không minh bạch của người cán bộ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

Tổ chức chịu trách nhiệm giới thiệu không thể vô can

Các quy định, quy trình về công tác cán bộ của Đảng ngày càng chặt chẽ, rõ ràng và đầy đủ. Đảng đã có nhiều văn bản quy định việc phân cấp, phân quyền, hay cụ thể hơn là trao quyền chủ động cho từng cấp. Cùng với đó cũng đòi hỏi các cấp phải gắn trách nhiệm, chịu trách nhiệm khi được phân cấp, phân quyền. Ngày 18-8-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 80-QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; theo đó: Cá nhân, tập thể đề xuất phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu, khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập... và ý kiến đề xuất của mình trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Để bổ nhiệm được một cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì đều phải qua các bước chặt chẽ. Quy trình nhân sự phải trải qua 5 bước đối với nguồn nhân sự tại chỗ và 3 bước đối với nguồn nhân sự điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử từ nguồn cán bộ nơi khác đến. Quá trình thực hiện thì cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chịu trách nhiệm về đánh giá, nhận xét, đề xuất, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử. Tuy nhiên, qua những trường hợp cán bộ có sai phạm thời gian qua cho thấy, việc thực hiện quy trách nhiệm đối với tập thể có liên quan đến công tác cán bộ chưa được thực hiện tốt.

Đối với tập thể cấp ủy đảng, vì sao không phát hiện ra cán bộ có sai phạm hay yếu kém để rồi vẫn biểu quyết thông qua? Rõ ràng là tổ chức chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí mất sức chiến đấu, hoặc có tiêu cực. Dư luận rất bức xúc với tình trạng lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ ở một số địa phương, một số đảng bộ. Theo quy định, một cán bộ được quy hoạch thì phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn. Tổ chức đảng nơi đó phản xác minh, tiến hành thảo luận, phân tích kỹ lưỡng từ lý lịch, quá trình học tập, công tác; đánh giá, nhận xét ưu, khuyết điểm, triển vọng phát triển, kết quả xác minh, kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có) đối với nhân sự... Nếu làm kỹ, chặt chẽ từng khâu, từng bước này thì cán bộ không đủ phẩm chất chắc chắn sẽ bị loại bỏ. Đơn cử như khâu xác minh kê khai tài sản cán bộ. Theo Quy định số 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thì bản thân người đưa vào quy hoạch phải kê khai tài sản và phải xác minh kê khai tài sản của cả những người thân của người đó nhằm tránh tình trạng che giấu tài sản. Tuy vậy, trên thực tế, việc này nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị làm chưa tốt. Bởi thế mới xảy ra tình trạng cán bộ quy hoạch thì kê khai không nhiều tài sản, nhưng vợ con, người thân của họ lại có nhiều tài sản một cách thiếu minh bạch. 6 tháng đầu năm 2024, qua kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật 4 cán bộ có vi phạm.

Để bịt được lỗ hổng này, cần thực hiện xử lý nghiêm đối với tổ chức đảng giới thiệu, quy hoạch, đề bạt cán bộ có sai phạm, yếu kém trước quy hoạch. Việc này nếu không làm nghiêm thì không rõ được trách nhiệm của tổ chức, không ngăn chặn được tình trạng giới thiệu cán bộ một cách thiếu trách nhiệm, lợi ích nhóm. Đồng thời, coi trọng nhận diện, đẩy lùi các biểu hiện lựa chọn cán bộ quy hoạch, sử dụng cán bộ thuần nhất chỉ dựa vào tiêu chí bằng cấp mà chưa chú trọng đến chất lượng và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trên thực tế. Một số cán bộ có hồ sơ, lý lịch “rất đẹp” nhưng trình độ, kiến thức chưa đáp ứng được nhiệm vụ khi được xem xét bổ nhiệm, trọng dụng. Thực trạng đó dẫn đến tình trạng chạy bằng cấp, học hàm, học vị...

Cần xem xét trách nhiệm người tiến cử, giới thiệu

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” nêu rõ: “Người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bầu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ theo một quy trình nhất định, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và phải chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình”.

Trên thực tế, mỗi khi kiểm điểm cán bộ lãnh đạo, chủ trì của tổ chức có sai phạm trong công tác cán bộ, có một số người lại đổ lỗi cho tập thể. Họ ngụy biện rằng, mọi quyết định là của tập thể, do tập thể, thế nên không thể quy trách nhiệm vào cá nhân họ. Trên thực tế, nhiều tập thể bị biến thành bình phong cho những sai phạm của người lãnh đạo, chủ trì. Sự tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, trong đó có người đứng đầu, thường diễn ra bằng nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Sự lũng đoạn này thường diễn ra trong một thời gian dài, vì thế, khi người đứng đầu đưa ra những quyết định, nhất là quyết định về mặt nhân sự thì hầu hết cá nhân trong tập thể đó buộc phải nghe theo, tuân theo.

Trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thì cá nhân phụ trách (hay người đứng đầu) phải chịu trách nhiệm rất cao. Đối chiếu các sai phạm đã xảy ra trên thực tế trong công tác cán bộ, vẫn không nhiều cá nhân bị xử lý trách nhiệm đúng mức khi đã tiến cử, giới thiệu để quy hoạch cán bộ không đúng. Những quy định về trách nhiệm của người tiến cử, giới thiệu, quy hoạch cán bộ dường như chủ yếu nằm trong văn bản mà chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Siết chặt quy trình bằng các quy định

Công tác cán bộ là “có vào có ra, có lên có xuống”, đưa vào quy hoạch nhưng cũng phải quyết liệt đưa ra khỏi quy hoạch chứ không thể theo lệ cứ vào quy hoạch là phát triển. Trên thực tế, nhiều người khi vào quy hoạch là “nín thở qua sông” trong khi không có sản phẩm, không đột phá gì trong công việc. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “... Việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi chưa bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín”. Trước đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đánh giá: “Quy hoạch cán bộ thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; còn dàn trải, khép kín, chưa bảo đảm phương châm "động" và "mở".

Vấn đề đặt ra là lấy tiêu chí gì để đánh giá, xem xét đưa vào hay đưa ra khỏi quy hoạch trong công tác cán bộ?

Trước hết phải thống nhất quan điểm, quy hoạch cán bộ là bước chuẩn bị quan trọng nên phải được làm đúng nguyên tắc, bảo đảm công tâm, khách quan. Cán bộ được quy hoạch thì phải sàng lọc qua thực tiễn; lấy hiệu quả công việc là thước đo. Theo đó, ở mỗi vị trí lãnh đạo đều phải thể hiện bằng sản phẩm cụ thể khi xem xét bổ nhiệm vào vị trí chức vụ cao hơn. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng xác định rất rõ: Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo hướng “phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có "sản phẩm" cụ thể, có triển vọng phát triển”. Mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Quy định số 114-QĐ/TW đã lượng hóa cụ thể các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ đối với từng nhóm hành vi, như: Nhóm “Hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn”; nhóm hành vi “chạy chức, chạy quyền”; nhóm các hành vi sai phạm khác. Quy định này đã soi chiếu được các hành vi sai phạm của cán bộ ngay từ sớm, giúp cho quá trình quy hoạch cán bộ có chất lượng hơn.

 (còn nữa)

Đại hội XIII của Đảng xác định: Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong từng khâu của công tác cán bộ, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch ủy ban nhân dân. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương; tăng cường kiểm tra, giám sát, chống chạy chức, chạy quyền...

"Chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, vận động cá nhân, cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...; cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn phá hoại, gây rối nội bộ của các thế lực thù địch...” (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng)

Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử

Link:https://www.qdnd.vn/phong-chong-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/khong-de-can-bo-yeu-kem-lot-vao-quy-hoach-bai-2-siet-quy-trinh-vach-chan-tuong-sai-pham-785965  

  LIÊN KẾT WEBSITE