Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là việc gốc, việc then chốt của Đảng nên đặc biệt chăm lo, tập trung hoàn thiện nguyên tắc, thủ tục, quy định, quy trình về công tác cán bộ...
Ngày 13-3-2024, phát biểu tại phiên họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự đánh giá: “... Sự trưởng thành, lớn mạnh và phát triển của đội ngũ cán bộ trong mấy chục năm qua là nhân tố hàng đầu quyết định làm nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy phiếu bầu, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội... tuy đã được ngăn chặn nhưng vẫn chưa hoàn toàn bị đẩy lùi. Vậy, vấn đề đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức đảng là cần làm gì để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Bài 1: Bắt đúng trọng bệnh để kê thuốc đặc hiệu
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là việc gốc, việc then chốt của Đảng nên đặc biệt chăm lo, tập trung hoàn thiện nguyên tắc, thủ tục, quy định, quy trình về công tác cán bộ. Sự phát triển của đội ngũ cán bộ và thành tựu của công tác cán bộ giúp đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ là các vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm.
Gốc hỏng thì cây chết!
Với tinh thần thẳng thắn, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII và khóa XIII đã chỉ rõ hạn chế, khuyết điểm trong công tác thẩm tra, đánh giá cán bộ. Chính từ những hạn chế đó dẫn đến tình trạng để lọt vào BCH Trung ương những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín. Đây là những khuyết điểm rất lớn, cần sớm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Việc chống chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền là vấn đề được Trung ương và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp hết sức quan tâm, quyết liệt triển khai thực hiện với nhiều giải pháp căn cơ, đồng bộ, toàn diện. Quyết liệt bởi đây là mối nguy hại rất lớn đối với sự tồn vong của Đảng, gây quấy nhiễu, bẩn đục công tác cán bộ. Và khi gốc bị hỏng thì tất yếu cây sẽ chết! Chất lượng đội ngũ cán bộ quyết định sự thành-bại của sự nghiệp cách mạng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng răn dạy: Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém.
Tranh minh họa. Nguồn: hoinhabaovietnam.vn
Khi cán bộ không đủ phẩm chất, năng lực, thậm chí vi phạm kỷ luật mà vẫn lọt vào quy hoạch sẽ gây hại cho tổ chức, cho công việc. Họ không có đủ tâm và tầm, cũng không hành động vì lợi ích chung, nên việc gì cũng thu vén cho cá nhân và lợi ích nhóm. Họ biến chức tước trở thành một thứ hàng hóa đặc biệt để đầu tư, kiếm lời. Cũng bởi thế họ sẽ cố kết, tìm mọi cách khởi xướng việc “mua quan bán chức” trong Đảng và hệ thống chính trị; sinh ra thế hệ cán bộ kế cận, kế tiếp cũng phấn đấu thăng tiến bằng chính con đường ấy. Từ đó mà công tác đánh giá cán bộ trở nên hình thức, đánh mất bản chất; các khâu, các bước, quy trình của công tác cán bộ chỉ còn là hình thức.
Sống, làm việc trong bầu không khí chính trị và môi trường ấy, không ít cán bộ tốt sẽ bị ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, lý tưởng, tình cảm, động cơ phấn đấu; sinh ra chán nản, nhụt ý chí, thiếu niềm tin vào tổ chức. Chính điều đó kéo lùi chất lượng đội ngũ cán bộ, ngăn cản những bước tiến của sự nghiệp cách mạng. Lâu dần, người dân sẽ mất niềm tin vào đội ngũ cán bộ và vai trò, sứ mệnh lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, kịp thời nhận diện, chấn chỉnh những mảng tối trong công tác quy hoạch cán bộ là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Vì sao không phát hiện được cán bộ yếu kém?
Một trong những vi phạm phổ biến nhất trong công tác cán bộ đó là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Khi nguyên tắc tập trung dân chủ bị lợi dụng, biến thành “bình phong” cho những toan tính lợi ích cá nhân với sự giúp sức, hợp thức hóa của tổ chức thì rất nguy hại.
Đề cập đến thực trạng này, theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Việc vi phạm các nguyên tắc của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ đang diễn ra khá phổ biến, nghiêm trọng trong công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ ở nhiều tổ chức đảng hiện nay. Biểu hiện trước tiên là việc góp ý, giới thiệu nhân sự trong tổ chức đảng trở nên hình thức, thiếu thực chất.
Tình trạng thảo luận xuôi chiều, thiếu tranh luận, thiếu phản biện... để tìm ra nhân sự đáp ứng các tiêu chí “hiền, tài”. Thay vào đó, việc áp đặt ý kiến chỉ đạo của các đồng chí chủ trì cấp ủy, thiếu sự trao đổi của các thành viên cấp ủy chưa được khắc phục. Không ít cấp ủy viên, đảng viên khi thảo luận thì không dám thể hiện chính kiến của mình để bảo vệ cán bộ tốt, cán bộ uy tín. Đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bố trí, bổ nhiệm con, em, người thân của lãnh đạo các cấp chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào những vị trí quan trọng; dẫn tới nguy cơ tạo ra những “ê kíp” cán bộ vận động theo hướng tiêu cực và tạo nên “trào lưu” cán bộ, đảng viên tìm mọi cách chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền...
Theo PGS, TS Nguyễn Trọng Phúc: Việc tổ chức đảng mất sức chiến đấu là hết sức nguy hại. Nhưng đau lòng hơn, quan ngại hơn là tình trạng ngay chính trong nội bộ ban thường vụ, cấp ủy hoặc nội bộ tổ chức lại có những cá nhân ngầm “bắt tay nhau” vì lợi ích nhóm. Với uy quyền và điều kiện sẵn có, một số cán bộ, đảng viên cố tình kéo bè kéo cánh, cùng thực hiện những “thương vụ” trong quá trình tiến hành công tác cán bộ.
Bàn về thực trạng nêu trên, PGS, TS Lê Quang Phi (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) khẳng định: Dù BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hệ thống quy định, cơ chế đồng bộ, toàn diện, tạo nên sự ràng buộc về mặt pháp lý khá chặt chẽ, nhưng con người thực hiện mới là nhân tố quyết định hiệu quả của chủ trương. Một khi nội bộ tổ chức đảng, tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương không tự giác thực hiện đầy đủ, cố tình bao che, che chắn cho nhau thì cơ quan và tổ chức đảng cấp trên cũng rất khó phát hiện, thực thi hiệu quả.
Từ những vụ việc xảy ra trong thời gian qua cho thấy, đã có một số tổ chức, địa phương, ban, ngành cố tình bỏ qua hoặc vận hành sơ sài, chiếu lệ, đối phó trong tiến hành công tác quy hoạch cán bộ; nhất là việc thực hiện các quy trình, tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, lựa chọn nhân sự bổ nhiệm hoặc bầu vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước. Một số ban thường vụ, BCH đảng bộ cấp tỉnh, huyện (và tương đương) có triển khai nhưng làm chưa đầy đủ, chưa tròn trách nhiệm; có nơi đánh giá cán bộ cảm tính, áp đặt, chưa toàn diện mà chủ yếu dựa vào tiêu chí bằng cấp... dẫn đến những quyết định sai lầm trong lựa chọn, quy hoạch, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Không ít trường hợp cán bộ đã vào quy hoạch là cứ thế phát triển với một bộ hồ sơ rất đẹp...
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay cho thấy, ở một số đảng bộ vẫn diễn ra thực trạng, nhân sự chọn ai hoàn toàn thuộc vào ý chí chủ quan của những người nắm quyền quyết định, tức là lạm quyền trong công tác cán bộ. Trong khi đó, các quy trình, thủ tục được tiến hành xem ra chỉ là cách hợp lý hóa, hợp thức hóa quyết định nhân sự của người nắm quyền lực và cũng là tấm khiên, tấm mộc để đối phó với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cấp có thẩm quyền.
Phải chăng công tác giám sát, kiểm soát quyền lực đang được vận hành yếu kém, hay có những vướng mắc khách quan? Những vấn đề này cần được làm sáng tỏ và phải sớm sửa chữa triệt để thì công tác cán bộ nói chung, công tác quy hoạch cán bộ nói riêng mới đi vào thực chất, hiệu quả.
Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị chỉ rõ chủ thể chạy quy hoạch, chạy chức, chạy quyền là cán bộ; đối tượng “chạy” là những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền trong công tác cán bộ, gồm: Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; cơ quan tham mưu trong công tác tổ chức cán bộ. Quy định này cũng chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của việc “chạy” và hành vi tiếp tay, bao che cho chạy chức, chạy quyền.
"Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu gương mẫu, uy tín thấp, phẩm chất, năng lực chưa ngang tầm nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc và quy chế làm việc, nói nhiều, làm ít, nói không đi đôi với làm, quan liêu, xa dân, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm. Không ít cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tính Đảng, lợi dụng sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, cố ý làm trái, trục lợi, làm thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng, bị xử lý kỷ luật Đảng và xử lý theo pháp luật..." (Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).
(còn nữa)
Nguồn: Báo Quân đội nhân dân điện tử