Ngày 25-3, UBND thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 1078/UBND-ĐT về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ 16 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông Vận tải.
Để đảm bảo tiến độ dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, UBND thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các quận, huyện liên quan như Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của người dân trong công tác giải phóng mặt bằng. Việc này đồng thời phải gắn với việc phối hợp chặt chẽ cùng các sở, ngành để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Về nguồn lực tài chính, Sở Tài chính được giao chủ trì tham mưu điều chuyển, điều phối nguồn vốn kế hoạch năm 2024 đã phân bổ cho dự án, bảo đảm kịp thời thanh toán các khối lượng đã thực hiện, tuyệt đối không để gián đoạn do thiếu kinh phí. Cùng với đó, Sở Tài chính cũng cần khẩn trương phối hợp với UBND tỉnh Hưng Yên để thống nhất điều chỉnh dự án thành phần 1.2, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên địa bàn tỉnh này.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố được yêu cầu hoàn thiện toàn bộ hồ sơ, thủ tục pháp lý liên quan, sẵn sàng triển khai ngay khi nhà đầu tư được lựa chọn, bảo đảm kế hoạch khởi công vào ngày 19-5-2025 theo đúng lộ trình đề ra.
Song song với đường Vành đai 4, Hà Nội cũng đang tăng tốc triển khai các tuyến đường sắt trọng điểm mang tính chiến lược quốc gia, gồm tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, tuyến đường sắt liên vùng Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng và tuyến đường sắt đô thị số 2.1 Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo.
Đối với các tuyến đường sắt liên vùng, UBND thành phố giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý đường sắt (Bộ Xây dựng), triển khai nhanh chóng các thủ tục giải phóng mặt bằng, xác định vị trí tái định cư, phê duyệt phương án cụ thể để không ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chung của các dự án.
Riêng với tuyến đường sắt đô thị số 2.1, tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Sở Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Ban Quản lý đường sắt đô thị tham mưu đề xuất UBND thành phố về cơ chế ứng vốn ngân sách tạm thời trong khi chờ hoàn thiện thủ tục đàm phán, ký kết hiệp định vay vốn ODA.
Một trong những hạng mục quan trọng liên quan đến tuyến đường sắt này là công tác di dời Tiểu đoàn 10 – Bộ Tư lệnh Pháo binh. UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, nhanh chóng hoàn tất công tác này để bàn giao mặt bằng, bảo đảm tiến độ.
Việc đồng loạt tăng tốc các dự án hạ tầng trọng điểm một lần nữa khẳng định quyết tâm cao độ của thành phố Hà Nội trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đô thị, nâng cao năng lực kết nối vùng và tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong giai đoạn mới.
Trung Đức