Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Khai thác quỹ đất vùng phụ cận Vành đai 4: Cơ hội tạo nguồn lực lớn nhưng cần cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch
Ngày đăng 03/04/2025 19:46

Chiều 03-4, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết thông qua Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Quang cảnh hội nghị

Quỹ đất vùng phụ cận tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có diện tích khoảng 18.450ha, phân bố tại nhiều địa phương có tuyến đường đi qua. Trong số này, khoảng 8.725,5ha được xác định đủ điều kiện khai thác với các hình thức như: đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất, nhận chuyển nhượng, thuê hoặc góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển dự án.

Theo kết quả rà soát, nguồn thu tiềm năng từ khai thác quỹ đất này trong giai đoạn 2024-2030 ước đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ kinh phí giải phóng mặt bằng. Đây được xem là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu đầu tư công ngày càng tăng cao.

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, đề án không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn mang tầm chiến lược trong quy hoạch, phát triển đô thị. Việc triển khai bài bản, đồng bộ sẽ giúp tối đa hóa giá trị sử dụng đất, thu hút đầu tư, ngăn ngừa tình trạng sử dụng đất sai mục đích, kém hiệu quả; đồng thời khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải đánh giá đề án có tiềm năng tạo nguồn vốn lớn nhưng cần đảm bảo yếu tố minh bạch, công bằng, có cơ chế kiểm tra, giám sát rõ ràng. Ông đề xuất thành lập một hội đồng giám sát độc lập để theo dõi toàn bộ quá trình triển khai. Đặc biệt, cần chú trọng quyền lợi người dân bị ảnh hưởng thông qua chính sách tái định cư hợp lý và hỗ trợ chuyển đổi sinh kế.

Dưới góc độ quy hoạch, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, cấu trúc đề án cơ bản hợp lý, song vẫn cần điều chỉnh để tiếp cận những đột phá theo tinh thần Kết luận 127-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Ông đề nghị cập nhật các yếu tố mới trong thực tiễn điều hành và chính sách phát triển, nhằm nâng cao tính khả thi và hiệu quả thực thi của đề án.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phản biện mang tính xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm. Đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, cập nhật đầy đủ văn bản chỉ đạo mới của Trung ương và thành phố để đảm bảo căn cứ pháp lý vững chắc. Đồng thời, tên gọi của đề án cần được điều chỉnh để phản ánh rõ mục tiêu, phạm vi và phương pháp triển khai; trong đó cần nêu bật khái niệm "vùng phụ cận", quy trình khảo sát, phân loại và các hình thức khai thác quỹ đất cụ thể.

Về tổ chức thực hiện, đồng chí Nguyễn Lan Hương nhấn mạnh, cần coi trọng yếu tố an sinh xã hội, triển khai thông tin minh bạch đến người dân và gắn chặt với cơ chế kiểm tra, giám sát để đề án đi vào thực tiễn một cách bền vững, hiệu quả và đồng thuận cao trong cộng đồng.

Hoàng Lan

  LIÊN KẾT WEBSITE