Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thủ đô, 94 năm qua công tác dân vận của thành phố Hà Nội đã được thực hiện theo phương châm trọng dân, gần dân, sát dân, có trách nhiệm với nhân dân. Kết quả triển khai công tác dân vận của Đảng bộ thành phố đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.
Tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng
Truyền thống công tác Dân vận của Đảng được gắn liền với sự ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay sau khi Đảng ta được thành lập, từ ngày 14 đến ngày 31-10-1930, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng… Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động".
Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thủ đô, Đảng bộ được thành lập sớm nhất cả nước, đội ngũ làm công tác dân vận của thành phố Hà Nội luôn phát huy truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng; đóng góp quan trọng vào việc giữ ổn định chính trị và tạo sự đồng thuận xã hội; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành uỷ trò chuyện với người dân trong diện giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội)
Sau hơn 40 năm cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố cũng từng bước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng và chỉ đạo quyết liệt. Công tác dân vận chính quyền đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Qua đó, kỷ cương, kỷ luật hành chính; nhận thức của cán bộ, công chức về trách nhiệm phục vụ nhân dân, tôn trọng nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân được nâng lên. Công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được duy trì tốt, qua đó đã mở rộng dân chủ, tạo sự thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng thăm hỏi, động viên người dân có có đất trong diện giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông)
Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong nhiệm kỳ Đại hội XVIII, Thành ủy đã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động công tác dân vận; phát huy vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng… nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô “Văn hiến, văn minh, hiện đại”. Trong quá trình thực hiện,đã phát huy dân chủ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; Củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công tác dân vận.
Thành phố cũng đã đúc rút nhiều kinh nghiệm hay, sáng tạo, nhất là trong việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình mới theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư (khoá IX), như: quy chế dân chủ trong giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản; quản lý xây dựng, trật tự đô thị; trong quản lý chợ, trường học ngoài công lập; trong công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo… Đặc biệt, phát huy vai trò công tác dân vận trong tham gia thực hiện Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, hệ thống dân vận thành phố, nhất là những địa phương có dự án đi qua đã khảo sát, nắm tình hình triển khai công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án. Qua đó, đã kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy về tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn và hoàn thành giải phóng mặt bằng dự án trong thời gian ngắn.
Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội và Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên ký kết kế hoạch phối hợp triển khai Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô
Thành ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường đối thoại, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân Thủ đô tham gia góp ý, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thành phố. Định kỳ hàng quý, Thường trực Thành ủy tổ chức hội nghị giao ban với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết những kiến nghị, đề xuất của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Phát huy vai trò của gần 5.000 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố trong công tác nắm, dự báo tình hình nhân dân, hệ thống dân vận toàn thành phố đã phối hợp giải quyết các điểm nóng, những vấn đề phức tạp, phát sinh trên địa bàn; vận động nhân dân tin tưởng, chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện với tổng số mô hình “Dân vận khéo” từ cấp cơ sở đến cấp thành phố năm 2023 được đăng ký triển khai là 13.663 mô hình…
Những kết quà mà hệ thống dân vận toàn thành phố đạt được đã đóng góp tích cực vào những kết quả quan trọng, toàn diện của Đảng bộ Thủ đô, góp phần quan trọng vào việc triển khai những nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong 40 năm đổi mới.
Kịp thời nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân
Theo Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn, một trong những mục tiêu quan trọng của công tác dân vận là củng mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Thời gian tới Ban Dân vận Thành uỷ sẽ tích cực tham mưu với Ban Thường vụ Thành uỷ về triển khai công tác dân vận. Trong đó, cùng với việc tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác dân vận gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị thành phố, sẽ tiếp tục thực hiện tốt quy định tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố theo Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy.
Ban Dân vận Thành uỷ sẽ chỉ đạo hệ thống dân vận thành phố đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát tổ chức đảng và đảng viên, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại buổi làm việc với Huyện uỷ Sóc Sơn về công tác dân vận
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2023; cụ thể hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp trong việc thực hiện công tác dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với nhân dân.
Đặc biệt, sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác dân vận của các cơ quan nhà nước; rà soát, điều chỉnh, bổ sung và triển khai có hiệu quả chương trình phối hợp giữa ban dân vận các cấp với chính quyền đồng cấp; phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó, sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác dân vận và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cán bộ dân vận nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô trong tình hình mới.
Hoàng Lan - Hoàng Mai