Kinh tế - Văn hóa - xã hội

Thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời trên địa bàn thành phố Hà Nội
Ngày đăng 29/07/2024 13:58

Ngày 22/7, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND về việc triển khai thực hiện việc đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT ngày 27/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với mục đích tạo các cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi để mọi người trong xã hội được tham gia học tập, thúc đẩy phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập; giúp UBND các cấp tự đánh giá thực trạng xây dựng xã hội học tập; xây dựng và thực hiện kế hoạch xây dựng xã hội học tập phù hợp với thực tế của địa phương. Đồng thời, làm căn cứ để đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh; đánh giá mức độ thực hiện Kế hoạch số 52/KH-UBND của UBND Thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tại các địa phương, ngày 22/7/2024 UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND về việc triển khai thực hiện việc đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Thông tư số 25/2023/TT-BGDĐT ngày 27/12/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 13, Điều 18 Thông tư 25/2023/TT-BGDĐT. Cụ thể:

- Đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh được công nhận “Cộng đồng học tập” khi đạt được tất cả các tiêu chí, chỉ tiêu được quy định theo mức độ tương ứng.

 -Việc đánh giá căn cứ vào minh chứng, kết quả đạt được của các tiêu chí, chỉ tiêu quy định theo từng mức độ. Các nội dung mô tả của từng chỉ tiêu của tiêu chí phải có hồ sơ minh chứng kèm theo.

- Kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu được đánh giá bằng hai hình thức đạt hoặc không đạt.

- Tiêu chí được đánh giá là đạt khi đơn vị đạt tất cả các chỉ tiêu của tiêu chí đó; các tiêu chí, chỉ tiêu không có minh chứng phù hợp được đánh giá là không đạt.

“Cộng đồng học tập” cấp xã, với các tiêu chí đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã mức độ 1, 2 là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã; Huy động nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi để thực hiện xây dựng xã hội học tập ở địa phương; Hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng và thư viện công cộng cấp xã, trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã; Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; Tác dụng của việc xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã.

 “Cộng đồng học tập” cấp huyện với các tiêu chí đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp huyện mức độ 1, 2 là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp huyện; Huy động nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi để thực hiện xây dựng xã hội học tập ở địa phương; Hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp huyện và thư viện công cộng cấp huyện, trung tâm văn hóa, thể thao cấp huyện; Kết quả phổ cập giáo dục - xóa mù chữ; Tác dụng của việc xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp huyện.

“Cộng đồng học tập” cấp tỉnh với các tiêu chí đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh mức độ 1, 2 là: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền cấp tỉnh; Huy động nguồn lực và tạo môi trường thuận lợi để thực hiện xây dựng xã hội học tập ở địa phương; Hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục đánh giá, công nhận ở cấp tỉnh và thư viện công cộng cấp tỉnh, bảo tàng tỉnh, Đài phát thanh, truyền hình tỉnh; Tác dụng của việc xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp tỉnh.

Nguyên tắc đánh giá, công nhận là phải công khai, minh bạch; đúng tiêu chí, điều kiện, quy trình, thẩm quyền quy định tại Thông tư 25/2023/TT-BGDĐT. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong triển khai nhiệm vụ.

Việc đánh giá, công nhận “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập; đảm bảo cơ hội học tập công bằng và điều kiện thuận lợi cho các cá nhân tự học, học thường xuyên để trở thành “Công dân học tập”, góp phần xây dựng “Cộng đồng học tập” cấp xã, huyện, tỉnh, đưa Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “Thành phố học tập” của UNESCO.

Diệu Thúy

  LIÊN KẾT WEBSITE