Xây dựng đảng

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và vận dụng vào quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay
Ngày đăng 15/09/2024 14:19

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại hệ thống quan điểm giá trị, sâu sắc về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng, ý nghĩa, góp phần bổ sung cơ sở lý luận, nền tảng tri thức để tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác quản lý phát triển xã hội thời gian tới.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa quản lý phát triển xã hội có mục đích cao nhất là phục vụ cho lợi ích của nhân dân, bảo đảm tính nhân văn, nhân ái của hệ thống pháp quyền nhân nghĩa, bảo đảm tính bền vững trong chính sách phúc lợi, an ninh xã hội, an ninh con người (Trong ảnh: Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại thành phố Yên Bái) - Ảnh: TTXVN

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hệ thống quan điểm toàn diện, sâu sắc, được thể hiện chủ yếu ở các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, nhà nước pháp quyền phải bảo đảm mọi quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhân dân là chủ thể quyền lực nhà nước; nhà nước chỉ là tổ chức do dân lập ra để thực hiện quyền lực nhân dân, rằng: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng, từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân”(1). Người có sự thấu hiểu về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Trong quá trình xác lập hình thức chính thể cộng hòa dân chủ nhân dân ở Việt Nam, Người chủ trương thống nhất quyền lực và có sự phân công rõ ràng giữa các cơ quan trong thực hiện quyền lực nhà nước. Đây chính là sự phát triển phù hợp thực tiễn đất nước từ tư tưởng nguồn gốc quyền lực nhà nước từ nhân dân. Xét về bản chất, sự thống nhất trong lợi ích của nhân dân là tiền đề của sự thống nhất quyền lực nhân dân và quyền lực nhà nước, đây cũng là điểm độc đáo chỉ có trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tư tưởng thống nhất quyền lực nhà nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ qua cách thức cơ cấu quyền lực nhà nước trong hai bản Hiến pháp năm 1946 và 1959.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi quyền lực nhân dân đã được ủy thác cho nhà nước thì quyền lực nhà nước phải thống nhất và có sự phân công minh bạch giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mặt khác, mục đích của việc phân công quyền lực nhà nước là để kiểm soát quyền lực, bảo đảm tính pháp quyền và phát huy giá trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn, chứ không phải để thỏa hiệp hay chia rẽ quyền lực; do đó, mặc dù có sự phân định nhất định về chức năng, nhiệm vụ, nhưng cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp không hoàn toàn tách biệt nhau, ngược lại có sự “ràng buộc lẫn nhau”, thống nhất với nhau ở mục tiêu chính trị chung là xây dựng một nhà nước bảo đảm quyền làm chủ toàn diện và tất cả vì lợi ích của nhân dân.

Thứ hai, nhà nước pháp quyền phải là một nhà nước hợp hiến, hợp pháp.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự ra đời của nhà nước phải hợp với lẽ phải, công lý và được tổ chức, hoạt động trên cơ sở hiến pháp và pháp luật. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh luận chứng chặt chẽ cho sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đúng với lẽ phải và công lý. Đầu tiên, Người vạch trần tội ác của thực dân Pháp, phát xít Nhật đã chà đạp lên những quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam gần một thế kỷ, kế đó, với lý lẽ, lập luận, dẫn chứng sắc bén, Người chứng minh cho nhân loại tiến bộ thấy rằng, sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) là hợp hiến, hợp pháp.

Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một nhà nước hợp hiến, hợp pháp là nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên hiến pháp và pháp luật. Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3-9-1945), Người xác định một trong những vấn đề cấp bách là “phải có một hiến pháp dân chủ” và “đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”(2). Theo Người, nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân thì trước hết bộ máy nhà nước phải phục vụ quyền lợi và lợi ích chính đáng của nhân dân, theo đó, hiến pháp dân chủ phải do cơ quan đại diện của nhân dân lập ra và do nhân dân phúc quyết. Chính vì vậy, Người yêu cầu nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu để toàn dân được bầu ra cơ quan đại diện của mình, bởi “Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”(3).

Thứ ba, nhà nước pháp quyền phải quản lý xã hội bằng pháp luật.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, yếu tố cốt lõi của nhà nước pháp quyền là nguyên tắc pháp luật giữ vị trí tối thượng, điều chỉnh hành vi toàn hệ thống chính trị và mọi chủ thể trong xã hội. Trong Bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi đến Hội nghị Véc-xây (năm 1919), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, phải “Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật”(4). Tuy nhiên, khác với nhà nước pháp quyền tư sản, pháp luật thể hiện ý chí, quyền lực của giai cấp tư sản; còn pháp luật trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí, nguyện vọng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Ngay sau khi thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương tiến hành tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội “càng sớm càng tốt”. Ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên sau khi đất nước giành độc lập đã bầu ra Quốc hội khóa I, đến ngày 9-11-1946, Quốc hội thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Hiến pháp năm 1946 có giá trị cốt yếu trong xây dựng một xã hội Việt Nam được điều hành, quản lý bằng pháp luật, quy định các quyền nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội cơ bản rõ ràng, minh bạch và hợp lý, đồng thời đặt ra những nguyên tắc trong việc tổ chức bộ máy nhà nước; khẳng định và xác lập cơ sở chính trị - pháp lý của một nhà nước độc lập, tạo nền tảng quan trọng trong xây dựng các đạo luật nhằm cụ thể hóa quy định của hiến pháp. Trên cơ sở đó, Quốc hội thảo luận và ban hành một số đạo luật quan trọng để chính quyền các cấp ở địa phương tiến hành tổ chức bộ máy và chăm lo cho đời sống nhân dân.

Trên cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nỗ lực xây dựng nền tảng cho quá trình hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cụ thể, trực tiếp chủ trì soạn thảo 2 bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959, ký ban hành 16 đạo luật và 613 sắc lệnh để điều hành đất nước. Để quản lý phát triển xã hội hiệu lực, hiệu quả, trước hết phải có hệ thống pháp luật đúng đắn, phù hợp và đầy đủ; có khả năng, sức mạnh hướng dẫn, thực thi, chi phối, kiểm soát mọi tổ chức nhằm bảo đảm bộ máy công quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, Hiến pháp, pháp luật đặt ra là để bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, nên nhiệm vụ then chốt là tuyên truyền để nhân dân có thể hiểu, tự giác thực hiện, chấp hành đầy đủ, Người cho rằng, phải “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(5). Tại Hội nghị thảo luận về Luật Hôn nhân và gia đình (năm 1959), Người chỉ rõ: “công bố đạo luật này chưa phải đã là mọi việc đều xong, mà còn phải tuyên truyền giáo dục lâu dài mới thực hiện được tốt”(6); đồng thời “Các đại biểu Hội đồng nhân dân và các cán bộ phải phổ biến Hiến pháp một cách kỹ lưỡng và rộng khắp trong nhân dân và gương mẫu thực hành Hiến pháp và luật lệ”(7),...

Cùng với đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị chủ thể thực thi pháp luật phải bảo đảm sự công tâm, nghiêm minh và mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật; yêu cầu đội ngũ cán bộ chủ động nêu gương trong thực thi pháp luật, “Phục tùng nghiêm chỉnh kỷ luật của Đảng. Gương mẫu chấp hành pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của các đoàn thể cách mạng của quần chúng mà mình tham gia”(8); ngược lại, nếu cán bộ, đảng viên không làm tròn trách nhiệm, vi phạm pháp luật thì nhà nước “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(9). Người cũng thẳng thắn chỉ ra và phê bình cán bộ lợi dụng quyền thế vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền tự do dân chủ, lợi ích của nhân dân, lấy đó làm bài học nhãn tiền cho toàn Đảng.

Thứ tư, nhà nước pháp quyền có sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật; tuy nhiên, luật pháp chỉ phát huy hiệu quả tối đa đối với xã hội khi phản ánh những giá trị đạo đức cao đẹp. Người cho rằng: “vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(10). Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong xây dựng nhà nước pháp quyền không chỉ thể hiện ở chỗ đạo đức là cơ sở quy định nội dung cũng như tạo nên sức mạnh của pháp luật, mà còn ở việc kết hợp giáo dục đạo đức với tính răn đe của pháp luật trong điều chỉnh hành vi con người, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ.

Trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn xác lập nền văn hóa chính trị chứa đựng giá trị nhân văn cao đẹp, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước “được hoàn toàn độc lập”, nhân dân “được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(11). Tư tưởng Hồ Chí Minh có sự kết hợp, thống nhất nhuần nhuyễn giữa yếu tố chính trị và đạo đức, thể hiện ở lý tưởng vì Tổ quốc tươi đẹp và thực tiễn hiện thực hóa lý tưởng đó mà bản thân Người là tấm gương sáng. Người viết: “Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy”(12); theo đó đội ngũ cán bộ, đảng viên muốn tổ chức quần chúng nhân dân thi hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thì “từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở, phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”(13) và “Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”(14).

Điều đặc biệt hơn là, tư tưởng pháp quyền Hồ Chí Minh chứa đựng yếu tố pháp quyền nhân nghĩa sâu sắc, pháp luật không phải là công cụ để trừng trị, mà là để bảo vệ và thực hiện quyền và lợi ích của con người. Trong nhiệm vụ kết hợp giáo dục đạo đức với sử dụng sức mạnh của pháp luật thì Người vẫn ưu tiên và quan tâm trên hết việc bồi dưỡng, tu dưỡng đạo đức, luôn nhắc nhở đội ngũ cán bộ phải nêu cao tinh thần làm gương, và tất nhiên làm gương không xong thì dùng pháp luật xử lý. Đây là quan điểm cho thấy tính nhân văn, nhân ái, bởi quan trọng nhất vẫn là nền tảng ý thức pháp luật, đạo đức trong đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước và nhân dân, chứ không cứng nhắc dùng pháp luật xử lý.

Thứ năm, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của đảng cộng sản.

Có thể nói, đây là điểm khác biệt giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nhà nước pháp quyền ở các nước tư bản phương Tây. Thực tiễn lịch sử chứng minh rằng, chính sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc giải phóng dân tộc, đồng thời giành được nhiều thắng lợi trong chống lại kẻ thù xâm lược cũng như xây dựng đất nước. Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp và chế độ phong kiến, mang đến độc lập, tự do cho đất nước ta, xác lập vị thế người làm chủ vận mệnh nước nhà của nhân dân, đây là sự kiện “đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”(15). Theo đó, vai trò lãnh đạo và trọng trách của Đảng được khẳng định trong Hiến pháp - luật cơ bản của Việt Nam, có hiệu lực pháp lý cao nhất(16).

Cùng với đó, chính tính định hướng xã hội chủ nghĩa của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không thể thoát ly khỏi sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với nhà nước nói chung và tổ chức quyền lực nhà nước nói riêng. Nghiên cứu về cách mạng Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy, “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(17). Khi đưa ra những lý thuyết về tổ chức quyền lực nhà nước, các nhà tư tưởng nổi tiếng thời cách mạng tư sản, như Mông-tét-xki-ơ hay J. Rút-xô chưa giải quyết triệt để vấn đề mối quan hệ giữa chính đảng cầm quyền và nhà nước; tiếp đó, học thuyết Mác-xít và lãnh tụ V.I. Lê-nin đề cập, đi sâu phân tích mối quan hệ giữa nhà nước và đảng cộng sản, song còn tập trung chủ yếu ở những nội dung lý luận, vĩ mô. Trong khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nên có cơ sở thực tiễn để phát triển quan điểm về sự lãnh đạo của đảng cộng sản đối với việc tổ chức quyền lực nhà nước, bảo đảm mục tiêu quản lý phát triển xã hội theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vào quản lý phát triển xã hội ở nước ta hiện nay

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng để quản lý phát triển xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời xuất phát từ thực tiễn đất nước thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều chủ trương nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền. Theo đó, kể từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân đã đạt được nhiều thành tựu, “tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; bảo đảm thực hiện đồng bộ các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(18), góp phần quan trọng vào quản lý phát triển xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, trong hơn 35 năm đổi mới, số lượng luật và pháp lệnh được ban hành tăng nhanh, giai đoạn 2006 - 2021, Quốc hội đã thông qua 329 luật, pháp lệnh(19); riêng trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024, 18 luật, 18 nghị quyết được xem xét, thông qua(20). Tính chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm giải trình, phân cấp, phân quyền khoa học, hiệu lực, hiệu quả được cải thiện; đội ngũ cán bộ, công chức được xây dựng theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Việc tổ chức thực thi quyền lực nhà nước được dựa trên nguyên tắc nhất quán tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân, trong đó“Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”(21), thể hiện mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại giữa ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp(22). Công cuộc đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng và cải cách hành chính, tư pháp có nhiều bước đột phá; chất lượng hoạt động hệ thống chính trị có tiến bộ, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức và cá nhân; tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, Đảng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, rằng việc “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và quản lý đất nước trong tình hình mới”(23). Để khắc phục hạn chế, hướng đến “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội”(24), nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết hiện nay là tiếp tục vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính sau:

Thứ nhất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động nhà nước, sử dụng pháp luật một cách đúng đắn, phù hợp đối với quản lý phát triển xã hội dựa trên sự lãnh đạo toàn diện của Đảng; thực hiện cơ chế vận hành tổng quát: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”(25), bảo đảm người dân thực sự “là chủ” và “làm chủ”, quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành, xác định đây là yêu cầu cơ bản, cốt lõi của nhà nước pháp quyền, hướng tới điều chỉnh các quan hệ xã hội, đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, hệ thống pháp luật phải đúng, tức là thực sự tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích chính đáng của nhân dân, phát huy quyền dân chủ, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân; phải đủ, tức bao quát được tất cả các mối quan hệ trong đời sống xã hội, trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội...; phải phù hợp, khả thi, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, đủ khả năng điều chỉnh các hoạt động của bộ máy công quyền, bảo đảm hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đặc biệt, người dân có thể sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Ninh _Ảnh: Tư liệu

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt của Hiến pháp, về sự cần thiết, ý nghĩa của việc thượng tôn pháp luật theo hướng định hình pháp luật là hệ thống giá trị chuẩn mực trong hành vi, ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Đặc biệt, giữ vững nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, theo đó trước hết đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải là tấm gương sáng trong tuân thủ pháp luật để nhân dân noi theo, rằng “Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”(26); tránh để xảy ra tình trạng thiếu ý thức, coi thường, có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ, để dẫn tới bị xử lý kỷ luật, làm tổn hại uy tín, thanh danh của Đảng, nguy cơ suy giảm niềm tin của nhân dân. Mặt khác, chú trọng kết hợp nhuần nhuyễn công tác giáo dục, bồi dưỡng nền tảng đạo đức với áp dụng các hình thức xử lý bằng pháp luật trong quản lý xã hội, bảo đảm tính nhân văn, nhân ái của hệ thống pháp quyền nhân nghĩa trên tinh thần coi trọng nền tảng gốc rễ là đạo đức và ý thức pháp luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba, Nhà nước phải được tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; không ngừng phát triển xã hội, mở rộng dân chủ gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tính bền vững trong chính sách phúc lợi, an ninh xã hội, an ninh con người,...; đồng thời, thực hiện phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới đất nước nhanh và bền vững. Mặt khác, tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức cho cán bộ và nhân dân để có thể sử dụng pháp luật đúng đắn, hiệu quả, phục vụ sự nghiệp đổi mới đất nước, quản lý phát triển xã hội theo hướng đề cao và phát huy bản chất nhân văn, vai trò dẫn dắt, thuyết phục, sáng tạo của pháp luật. Nêu cao vai trò thiết lập trật tự, thúc đẩy phát triển xã hội; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trên tinh thần công bằng, văn minh, công khai, minh bạch theo nguyên tắc “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(27) của hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước nhằm bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thực sự thuộc về nhân dân, phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Một trong những hạn chế, bất cập trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Quyền lực nhà nước chưa được kiểm soát hiệu quả, cơ chế kiểm soát quyền lực chưa hoàn thiện; vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân chưa được phát huy mạnh mẽ”(28). Theo đó, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền làm chủ và sự tham gia của nhân dân trên tất cả lĩnh vực, nhất là trong kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước; tiếp tục thể chế hóa các quyền dân chủ hiến định của người dân; xác định rõ hơn “vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền”(29) và “kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”(30).

Bên cạnh đó, nghiên cứu, bổ sung các hình thức dân chủ trực tiếp, để người dân có thể nêu kiến nghị về xây dựng, sửa đổi chính sách, pháp luật hoặc giải quyết vấn đề xã hội với các cơ quan dân cử nhằm nâng cao hiệu quả, vai trò giám sát của nhân dân; chú trọng xây dựng phương pháp dân vận khoa học, khéo léo, thiết thực bởi “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(31),... theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thứ năm, giải quyết đúng đắn quan hệ giữa Đảng lãnh đạo và vai trò của Nhà nước trong quản lý phát triển xã hội; tiếp tục hoàn thiện hơn nữa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong bộ máy nhà nước, sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhằm bảo đảm quyền lực thống nhất ở nhân dân, hướng đến mục đích cao nhất là phục vụ cho lợi ích của nhân dân; xây dựng chính quyền liêm chính, tiến bộ, hiệu quả,...

Cùng với đó, trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần chú trọng nhiệm vụ nâng cao trình độ của đại biểu nhân dân lên tầm cao mới. Như vậy, phải tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, mở rộng dân chủ, bảo đảm tính khả thi, khoa học, phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong thực hiện chức năng kiểm soát Chính phủ(32) trên tinh thần “bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất”(33). Mặt khác, phải tiếp tục nâng cao vai trò công tác tư pháp, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức triển khai, thực thi nghiêm minh pháp luật trong xã hội; tuy nhiên, bên cạnh việc kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của nhân dân, bởi “thưởng phạt phải nghiêm minh thì nhân dân mới yên ổn”(34), thì cần giữ gìn truyền thống khoan dung, nhân văn, nhân đạo của người Việt Nam, tránh xảy ra oan sai, giải quyết chưa thấu tình, đạt lý,.../.

----------------------

Nguồn: Tạp chí Cộng sản điện tử

Link:https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-va-van-dung-vao-quan-ly-phat-trien-xa-hoi-o-nuoc-ta-hien-nay

 (1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 434

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 7, 153

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 441

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 293

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 301

(7) Phạm Ngọc Anh - Bùi Đình Phong: Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền kiểu mới ở Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2003, tr. 109

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 242

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 127

(10) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, Hà Nội, 1990, tr. 174

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 187

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 122

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 55

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 69

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 25

(16) Cụ thể: Khoản 2, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 563

(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 71

(19)  Xem: Phạm Văn Linh: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”, Trang Thông tin điện tử Hội đồng Lý luận Trung ương, ngày 5-1-2022, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-xay-dung-va-hoan-thien--nha-nuoc-phap-quyen-xa-hoi-chu-nghia-o-viet-nam.html

(20) Xem: Bảo Yến: “Nhiều đổi mới thiết thực, hiệu quả trong lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 13-4-2024, https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=86213

(21) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)

(22) Điều 2, Hiến pháp năm 2013 cũng khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”

(23), (24), (25) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 89, 116, 173

(26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr. 130

(27) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 65

(28) Xem: Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”

(29), (30), (31) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 174 - 175, 203, 234

(32) Việc kiểm soát quyền lực của lập pháp đối với hành pháp thông qua các cơ chế, hình thức được Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác ghi nhận, như báo cáo công tác, chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình, bỏ phiếu tín nhiệm, giám sát theo chuyên đề,...

(33) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 175

(34) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 189

  LIÊN KẾT WEBSITE