Ngày 10-11, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo các sở, ngành thành phố đã tham quan các không gian sáng tạo tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024, trong đó có Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội - trước kia là Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và lãnh đạo một số sở, ngành tham quan các không gian sáng tạo tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội cũ
Sáng 10-11, các không gian sáng tạo, trưng bày tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên là một trong những địa điểm đón tiếp rất đông người dân và du khách. Từ sáng, rất nhiều khách đã xếp hàng ở khu vực hành lang để chờ đến lượt vào chiêm ngưỡng các trưng bày và vẻ đẹp kiến trúc của công trình.
Đoàn lãnh đạo thành phố Hà Nội tham quan tầng 3 của Trường Đại học Khoa học tự nhiên
Tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam diễn ra nhiều hoạt động, trong đó có trình diễn thời trang “Nhị thập cửu” và buổi nói chuyện “Sử dụng chất liệu văn hoá dân gian trong sáng tạo”. Ngoài ra, khu vực trưng bày với chủ đề “Rồng rắn lên mây” ở ngoài trời, giới thiệu các mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Gỗ, gốm, sứ… thu hút đông khách trải nghiệm.
Phó Bí thư Thường trựcThành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao các ý tưởng sắp đặt tại Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.
Sau khi tham quan các không gian sáng tạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những nỗ lực của Ban tổ chức, cộng đồng sáng tạo tại Lễ hội thiết kế sáng tạo năm 2024. Các nội dung trưng bày, sự kiện, tọa đàm trong lễ hội góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, thu hút du khách đến Hà Nội.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, khu vực chính diễn ra lễ hội là quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Tinh hoa di sản (phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông) và trục Kinh tế sáng tạo (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền), gồm các công trình kiến trúc nổi bật như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Nhà khách Chính phủ (Bắc Bộ Phủ), Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ)... và các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19-8, Tao Đàn.
Lễ hội gồm 3 công trình biểu tượng Pavilion mang tên Hành lang thơ ngây tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Dòng ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, Rồng rắn lên mây tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các công trình biểu tượng được sắp đặt để tương tác với di sản, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho các di sản. Ngoài ra, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm cũng được thực hiện ngay trong các không gian di sản gồm Cung Thiếu nhi Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ).
Hoàng Lan - Mai Luyến