Thường trực Thành ủy

Làm rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử về sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội
Ngày đăng 11/03/2025 14:07

Sáng 11-3, Thành ủy Hà Nội phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “95 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội, tầm vóc, ý nghĩa lịch sử" (17/3/1930 - 17/3/2025). Tham dự hội thảo về phía Trung ương có các đồng chí: TS Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; TS Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Quang cảnh hội nghị 

Về thành phố Hà Nội có các đồng chí: GS.TS Lê Xuân Tùng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; TS Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.

Tham dự hội thảo có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Bùi Huyền Mai.

Dự hội thảo còn có 150 đại biểu là đại diện các cơ quan Trung ương; lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố và đại diện gia đình các đồng chí nguyên lãnh đạo tiền bối.

Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025) và 95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2025).

Điểm lại những dấu mốc quan trọng trong 95 năm qua, đồng chí Nguyễn Văn Phong cho biết, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng hào hùng, những bài học từ thực tiễn sâu sắc của 95 năm xây dựng và phát triển, những năm gần đây, Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu đề dẫn tại hội thảo 

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các đại biểu, nhà khoa học tập trung làm rõ và tiếp tục khẳng định một số nội dung sau: Ý nghĩa to lớn của sự ra đời Đảng bộ Hà Nội đối với phong trào cách mạng cả nước và Thủ đô; Làm rõ, sâu sắc hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí cán bộ tiền bối tiêu biểu thời dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội, như: Nguyễn Phong Sắc, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ; Phân tích rõ những thành tựu và kinh nghiệm thực tiễn 95 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ Hà Nội. Trên cơ sở kết quả của hội thảo, thành phố sẽ nghiên cứu, bổ sung vào Văn kiện Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố.

Những đóng góp quan trọng cho Thủ đô và đất nước

Với 3 nội dung chính: Hà Nội - nơi khởi nguồn các phong trào cách mạng; Các đồng chí lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo tiền bối thời dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội; Bài học kinh nghiệm của Đảng bộ Hà Nội trong 95 năm xây dựng và phát triển, các đại biểu đã tập trung tham luận nhằm làm rõ hơn những đóng góp to lớn của Đảng bộ Thủ đô trong tiến trình phát triển của đất nước.

GS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tham luận với chủ đề “95 năm thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội - Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử”, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Trải qua 95 năm xây dựng và trưởng thành, với trí tuệ và bản lĩnh kiên cường, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vận dụng sáng tạo các cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện thực tế của Thủ đô để khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân kết hợp với sức mạnh thời đại, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến hành công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Lựa chọn chủ đề “Sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8 năm 1945”, giảng viên Viện lịch sử Đảng, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Vũ Thị Hồng Dung đã thay mặt PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà khái quát lại bối cảnh của Thủ đô Hà Nội giai đoạn trước Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Theo đó, sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ Hà Nội trong lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thể hiện ở: Đảng bộ Hà Nội mặc dù gặp nhiều khó khăn về tổ chức, số đảng viên không nhiều nhưng đã kiên trì bám địa bàn, bám dân, nên sớm tổ chức được lực lượng quần chúng đông đảo. Đảng bộ Hà Nội đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa một cách linh hoạt, quyết đoán; lãnh đạo kết hợp đấu tranh chính trị, huy động lực lượng, sức mạnh của quần chúng, sử dụng đấu tranh chính trị là chủ yếu, có các đội vũ trang, tự vệ phối hợp, hỗ trợ. Sự độc đáo của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội, đó là sử dụng sức mạnh và khí thế áp đảo của quần chúng nhân dân để giành chính quyền nên đã hạn chế tối đa sự bắt giữ, không đổ máu và khiến quân Nhật không thể can thiệp

GS Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo

Ông Trần Quyết Chiến, con trai đồng chí Trần Quý Kiên, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội tham luận với chủ đề: “Truyền thống gia đình hun đúc ý chí cách mạng của chiến sĩ cộng sản kiên trung Trần Quý Kiên”, một trong những đảng viên thế hệ đầu tiên của Đảng Cộng sản.

Tham luận khẳng định, trong quá trình hoạt động cách mạng không mệt mỏi, đồng chí đã giác ngộ, bồi dưỡng, dìu dắt để kết nạp vào Đảng nhiều chiến sĩ cách mạng, mà sau này trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, như đồng chí Văn Tiến Dũng (Đại tướng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), đồng chí Hoàng Minh Giám (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao)…

Tham luận với chủ đề “Bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội", GS Lê Xuân Tùng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đúc rút những bài học kinh nghiệm của Đảng bộ Thủ đô trong việc đưa các chủ trương, nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống; vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện công tác cán bộ với kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ một cách bài bản, khoa học.

GS Lê Xuân Tùng nhấn mạnh việc lựa chọn cán bộ vào vị trí chủ chốt phải có tầm nhìn xa, phát hiện sớm rồi trải qua đào tạo mới có thể đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong thực tiễn.

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội

GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội tham luận với chủ đề: “Những bài học kinh nghiệm lớn của Đảng bộ Hà Nội trong 95 năm xây dựng và phát triển, tiền đề định hướng Thủ đô bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Theo GS.TS Phùng Hữu Phú, từ thực tiễn xây dựng và phát triển của Đảng bộ Thủ đô, có thể đúc rút 5 bài học kinh nghiệm. Trong đó, bài học đầu tiên chính là sự kiên định, vững vàng, quán triệt và chủ động vận dụng sáng tạo các đường lối, chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của Hà Nội để hoạch định thực hiện thắng lợi các quyết sách phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng.

Nhân tố quyết định mọi thắng lợi của Đảng bộ Hà Nội

Phát biểu kết luận hội thảo, PGS.TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành tựu nổi bật trong 95 năm quađã tạo tiền đề để Hà Nội tự tin, tự hào bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Các tham luận gửi tới Hội thảo và những ý kiến phát biểu đã góp phần làm sáng rõ và khẳng định về ý nghĩa của sự ra đời của Đảng bộ thành phố Hà Nội (ngày 17-3-1930) và các phong trào cách mạng ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây là hạt nhân để tổ chức Đảng bén rễ trong phong trào cách mạng toàn quốc.

Các tham luận cũng làm rõ vai trò và những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu thời dựng Đảng của Đảng bộ Hà Nội.

Cùng với đó là sự tâm huyết, đầy tinh thần trách nhiệm của các đồng chí Bí thư Thành ủy, lãnh đạo chính quyền thành phố qua các thời kỳ lịch sử; sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại…

Hội thảo đã làm rõ tầm vóc, ý nghĩa của sự thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội và vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Hà Nội trong suốt 95 năm qua. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, nâng cao niềm tin cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, góp phần bồi đắp, phát huy truyền thống Hà Nội văn hiến anh hùng, gương mẫu đi đầu, xứng đáng là trái tim của cả nước.

Hoàng Lan - Hoàng Mai

  LIÊN KẾT WEBSITE