UBND thành phố

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh: Luật sửa đổi phải đảm bảo tính đồng bộ, tránh khoảng trống pháp lý và “nút thắt” thể chế
Ngày đăng 07/05/2025 19:55

Chiều 07-5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thảo luận tại Tổ Hà Nội chiều 7-5

Tại tổ Hà Nội, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đặc biệt quan tâm đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhấn mạnh việc sửa đổi là hết sức cần thiết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương tinh gọn bộ máy, chuyển đổi mô hình tổ chức chính quyền theo hướng không còn cấp huyện - phù hợp xu thế phát triển và định hướng lâu dài.

Góp ý cụ thể, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát kỹ Điều 54 liên quan đến quy định chuyển tiếp. Theo ông, nhiều điều khoản trong dự thảo chỉ mang tính tình huống, phù hợp với đợt sắp xếp hiện nay chứ không còn giá trị dài hạn, do đó nên được đưa vào Nghị quyết kèm theo thay vì giữ nguyên trong Luật để đảm bảo tính ổn định pháp lý.

Dẫn chứng quy định tại khoản 6, Điều 54 về việc các cơ quan cấp huyện hoàn tất bàn giao công việc trong vòng 15 ngày kể từ khi luật có hiệu lực, ông Trần Sỹ Thanh bày tỏ lo ngại về khả năng gián đoạn hoạt động dịch vụ công thiết yếu nếu các đơn vị hành chính mới không kịp vận hành ngay từ 0 giờ ngày 01-7-2025. Đồng chí Trần Sỹ Thanh đề nghị các Ủy ban của Quốc hội phối hợp rà soát, điều chỉnh để bảo đảm nguyên tắc “không có khoảng trống pháp lý, không gián đoạn phục vụ người dân”.

Liên quan đến quy định về số lượng đại biểu HĐND sau sáp nhập, đồng chí Trần Sỹ Thanh cảnh báo nguy cơ bất cập trong triển khai thực tế. Với những địa phương có ranh giới hành chính chia tách, không sáp nhập hoàn toàn, việc xác định số đại biểu HĐND sẽ gặp nhiều vướng mắc nếu không có hướng dẫn cụ thể, dễ dẫn đến chồng chéo, thiếu thống nhất giữa hệ thống chính quyền và tổ chức Đảng.

Góp ý với các điều khoản về quy trình tổ chức lại bộ máy sau sáp nhập, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị xem xét lại quy định HĐND phải bầu Chủ tịch UBND và Chủ tịch HĐND sau khi ổn định tổ chức. Đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng điều này chưa thống nhất với chỉ đạo của Trung ương về việc chỉ định sớm các chức danh chủ chốt nhằm bảo đảm sự ổn định và điều hành liên tục. “Đây là điểm nghẽn thể chế cần được xử lý sớm để tránh mâu thuẫn giữa Luật và chủ trương của Đảng” - Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, trong phần thảo luận dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sửa luật lần này cần hướng đến mục tiêu tháo gỡ các rào cản thể chế, khơi thông sự giao thoa giữa khu vực công và khu vực tư. Theo đồng chí, khoảng cách về hiểu biết, kinh nghiệm và môi trường làm việc giữa hai khối đang ngày càng lớn, gây trở ngại trong quản trị điều hành.

Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh kiến nghị cần sửa luật theo hướng cởi mở, tạo cơ chế linh hoạt để cán bộ công có thể chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, ngược lại cũng mở rộng cánh cửa để nhân tài ngoài nhà nước tham gia vào bộ máy quản lý công. Đây là giải pháp thiết thực nhằm làm mới tư duy quản trị, nâng cao năng lực thực thi và góp phần đưa các loại hình kinh tế, văn hóa tiến gần hơn với nhu cầu thực tiễn.

Với tinh thần trách nhiệm cao, những kiến nghị tại tổ của đại biểu Trần Sỹ Thanh không chỉ phản ánh sâu sắc thực tế quản trị tại Hà Nội mà còn mang tính gợi mở cho việc hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, minh bạch và hiệu quả trong tổ chức bộ máy hành chính, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, năng động, phục vụ nhân dân và phát triển bền vững.

Hằng Trần

  LIÊN KẾT WEBSITE