Chiều 20-12, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý IV-2024 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến. Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội. Đồng chủ trì hội nghị có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Thành uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trụ sở Thành ủy đến 594 điểm cầu với sự tham dự của hơn 11.313 đại biểu.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và các đồng chí lãnh đạo Thành phố chủ trì hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Lê Thanh Nam cho biết, các biện pháp mạnh mẽ mà thành phố đã triển khai nhằm kiểm soát chất lượng không khí và giảm ô nhiễm từ các nguồn phát sinh. Thành phố đã đầu tư hoàn thiện hệ thống quan trắc không khí tự động và thúc đẩy các giải pháp xanh, như hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường và chính sách giảm khí thải xe cũ.
Đặc biệt, Hà Nội đạt bước tiến vượt bậc khi giảm hơn 80% tình trạng đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và rác tự phát tại ngoại thành, đồng thời xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí. Việc trồng hơn 147.500 cây xanh và tạo lập các mảng cỏ, cây cảnh trên diện rộng đã góp phần xây dựng một Thủ đô trong lành hơn.
Đối với rác thải, tỷ lệ thu gom và vận chuyển tại các quận đã đạt 100%, trong khi các huyện và thị xã đạt từ 95% đến 100%. Hai nhà máy điện rác hiện đại tại Sóc Sơn và Seraphin đang được đưa vào hoạt động, xử lý hàng nghìn tấn rác mỗi ngày, góp phần giảm thiểu ô nhiễm từ phương thức chôn lấp truyền thống.
Thành phố đề ra các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo 75-80% số ngày trong năm có chất lượng không khí ở mức tốt hoặc trung bình. Phân loại rác tại nguồn, xử lý triệt để khí thải công nghiệp và quản lý nghiêm các công trường xây dựng là những nhiệm vụ hàng đầu. Đồng thời, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường và phối hợp liên vùng để kiểm soát ô nhiễm một cách toàn diện.
Trong báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thành phố lên kế hoạch tặng quà Tết cho hơn 1,1 triệu đối tượng chính sách với tổng ngân sách gần 568 tỷ đồng. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức, như sự kiện Countdown chào năm mới tại trung tâm Hà Nội và màn bắn pháo hoa tại 5 điểm vào đêm giao thừa Dương lịch.
Lễ hội ánh sáng quốc tế tại quận Tây Hồ và chương trình "Rực rỡ Thăng Long 2025" tại Sân vận động Mỹ Đình dự kiến thu hút hàng ngàn người tham gia. Trong dịp Tết Nguyên đán, Thành phố tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm trên toàn địa bàn để mang đến không khí lễ hội rực rỡ.
UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu để phục vụ đủ nhu cầu mua sắm Tết. Công tác an ninh, giao thông và phòng chống ùn tắc cũng được lên kế hoạch kỹ lưỡng nhằm đảm bảo nhân dân có một mùa Tết an toàn và thuận lợi.
Bên cạnh đó, hoạt động trang trí, chiếu sáng mỹ thuật và tuyên truyền cổ động trực quan sẽ được thực hiện trên toàn thành phố, kết hợp hài hòa giữa phương thức truyền thống và hiện đại, tôn vinh nét đẹp văn hóa Thủ đô.
Phát biểu tại hội nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, phong trào "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" không có đích đến cuối cùng, mà phải duy trì liên tục như một phần trong nếp sống hàng ngày của toàn thể người dân. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ, Hà Nội đang từng bước khẳng định vị thế của một Thủ đô văn minh, hiện đại, nơi đáng sống và đáng tự hào.
Hằng Trần